Bộ GTVT "trảm" nhanh một loạt nhà thầu để dẹp yên dư luận?
Tại một cuộc họp khẩn sau sự cố lún nứt Quốc lộ 18, Bộ GTVT yêu cầu “chậm nhất 10/6, phải có kết quả thí nghiệm về vệt hằn bánh xe” để làm căn cứ khắc phục sự cố, xử lý sai phạm. Đến thời điểm này, kết luận trên vẫn chưa có, nhưng ngày 4/6, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có Công điện xử lý một loạt nhà thầu.
“Vơ đũa cả nắm”?
Như PLVN (ra ngày 11/6) đã thông tin, sau gần 3 năm thi công, ngày 24/5/2014 nhà đầu tư QL18 (đoạn Hạ Long - Uông Bí) - Công ty Cổ phần BOT Đại Dương đã có báo cáo hoàn thành công trình và đề nghị cho phép nghiệm thu đưa vào khai thác thu phí. Tuy nhiên, sau đó đã phát hiện một số đoạn trên tuyến bị lún vỡ, hằn vệt bánh xe mặt đường.
Dự án QL18 khánh thành ngày 18/5, nhưng 10 ngày sau đó đã có nhiều đoạn lún, nứt
|
Trước sự cố đường vừa khánh thành đã hỏng, ngày 30/5 Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ và nhà đầu tư. Tại đây, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số nhận xét ban đầu; tuy nhiên, tất cả đều nhất trí phải chờ báo cáo kết quả cụ thể của Viện Khoa học & Công nghệ GTVT mới có thể kết luận nguyên nhân cũng như giải pháp xử lý triệt để hiện tượng này.
Thứ trưởng Viên yêu cầu Viện Khoa học&Công nghệ GTVT thúc đẩy tiến độ nghiên cứu; bổ sung khối lượng khoan khảo sát, tăng cường thêm mũi khoan, mở rộng hoạt động kiểm định nhằm sớm xác định nguyên nhân chính xác. “Tiến độ, sửa chữa kiên cố, cơ bản phụ thuộc vào Viện. Do đó, chậm nhất 10/6, Viện phải có báo cáo thí nghiệm về vệt hằn bánh xe” - ông Viên “chốt” lại.
Tuy nhiên đến thời điểm này, kết quả “chẩn bệnh” vẫn chưa có, thậm chí theo nguồn tin của PLVN phải tới ngày 20/6, kết quả thí nghiệm từ những mẫu vật lấy từ đoạn đường khuyết tật này mới ra.
Nhưng trước đó (ngày 4/6), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có Công điện yêu cầu Công ty CP BOT Đại Dương và PMU2 không cho phép các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công này tham gia dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí. Ngoài ra, Bộ này cũng nghiêm cấm các đơn vị này tham gia các dự án khác của ngành GTVT trong vòng 3 năm.
Có thể nói, quyết định xử các nhà thầu, tư vấn tại dự án nói trên có gì đó khác thường so với các dự án khác, bởi nó rất vội vàng, khẩn cấp - từ tên gọi của văn bản - “Công điện” cho đến mức độ quyết liệt của hình phạt… trong khi điểm mấu chốt là kết quả thí nghiệm - căn cứ để áp dụng hình phạt, thì đến nay vẫn chưa có! Còn nữa, ở đây, mới chỉ ghi nhận sự cố lún nứt tại một số đoạn đường trên tuyến, nhưng với Công điện nêu trên, thì dường như tất cả các doanh nghiệp làm đường hay cầu đều bị xử lý?
Thí tốt…
Như đã viết, đến thời điểm này dù chưa biết lỗi phải của các nhà thầu ở mức độ nào, nhưng quyết định “xử trảm” được cho là quá vội vàng của Bộ GTVT đã khiến nhiều nhà thầu run cầm cập, bởi trong vòng 3 năm tới chắc chắn sẽ là một khoảng thời gian cực kỳ “đen tối”, khó khăn với các nhà thầu này.
Tìm hiểu việc này, phóng viên PLVN đã hỏi chuyện một số người am tường lĩnh vực xây lắp, nhưng họ nói: “Dù bị phạt oan đi chăng nữa, thì cũng chẳng có nhà thầu nào dám ló mặt ra tiếp xúc, phát ngôn với báo chí trong thời điểm này vì nó quá nhạy cảm. Hầu hết, các nhà thầu đều không muốn va chạm với Bộ GTVT, vì họ muốn yên ổn để kinh doanh, làm ăn lâu dài.”.
Có thể nhận định này đúng trong trường hợp nói trên, nhưng trên thực tế không phải không có chuyện “giọt nước tràn ly” giữa nhà thầu với Bộ GTVT vì cách đây không lâu, một nhà đầu tư dự án BOT trên QL1A đã đứng lên “tố” PMU2 dồn ép, làm mất uy tín hình ảnh của doanh nghiệp họ.
Trong trường hợp cụ thể này, PMU2 cũng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đến nay vẫn chưa chịu bất kỳ một hình thức kỷ luật nào, nhưng thực tế vì Công điện của Bộ GTVT, chủ quản nhà thầu thi công QL18 đã phải cách chức Giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 2.09, kiêm chỉ huy trưởng công trường thi công tại Gói thầu số 3.
Phải chăng trong bối cảnh dư luận đang “nóng” về vấn đề tiến độ, chất lượng… tại Dự án QL1, QL14 nay lại tiếp tục “nổ” ra vụ lún, nứt QL18 khiến Bộ GTVT phải chịu thêm sức ép nên đã vội vàng ra Công điện xử lý nhà thầu để xoa dịu dư luận?
Oan thì sẽ minh oan
Chiều qua (12/3), trao đổi với PLVN, ông Phạm Hồng Sơn – Tổng Giám đốc PMU2 cho biết, thời gian triển khai Dự án BOT QL18 ông chưa về đây công tác, Tổng Giám đốc PMU2 lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Long (hiện ông Long đã được rút về Bộ). PMU2 là cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với dự án này.
Về Công điện “trảm” nhà thầu đang gây tranh cãi dư luận, ông Sơn nói: “Quyết định này thể hiện sự nghiêm minh của Bộ. Tất nhiên, nói là xử cả tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu, nhưng sau khi có kết luận chính thức về sự cố này, thì sẽ phân loại hư hỏng ở đâu, do ai thi công để quy trách nhiệm. Lúc đó, “ông” nào oan thì sẽ đề nghị lên Bộ trưởng xem xét minh oan.”
Được biết, đến thời điểm này, công tác khắc phục hư hỏng trên tuyến này đã cơ bản xong.
|
Tuấn Anh
pháp luật Việt Nam
|