Ưu đãi đầu tư chưa phải yếu tố quyết định đầu tư
Các quyết định đầu tư của các công ty nước ngoài bị tác động chủ yếu bởi nền tảng kinh tế vững chắc của nước chủ nhà. Ông Patrick J. Gilabert, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (Unido) cho biết như vậy khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Ông Patrick J.Gilabert
|
PV: Đánh giá của ông về môi trường đầu tư của Việt nam?
Ông Patrick J. Gilabert: Môi trường đầu tư của Việt Nam trong 15-20 năm qua là tốt với tỷ lệ tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm. Đến khủng khoảng kinh tế 2007-2008, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng 8 đến 10 tỷ USD/năm. Đây là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, đầu tư lại chủ yếu vào ngành có công nghệ thấp và sử dụng nhiều lao động. Nên về lâu dài, môi trường đầu tư cần chú trọng hơn về mặt nâng cao cạnh tranh về nguồn nhân lực để thu hút đầu tư vào ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn.
PV: Ưu đãi đầu tư có phải là điều quan trọng để NĐT nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam không?
Ông Patrick J. Gilabert: Nó không phải là yếu tố quan trọng vì theo báo cáo của Unido cho thấy, trong 21 yếu tố được đưa vào để xem xét thì yếu tố về ưu đãi đầu tư là đứng thứ 17. Những yếu tố khác về ổn định chính trị, kinh tế được xếp hàng đầu.
Nghiên cứu thực tế gợi ý rằng, ưu đãi đầu tư quốc tế chỉ đóng một vai trò hạn chế trong việc xác định kiểu mẫu quốc tế về FDI. Các nhân tố liên quan đến môi trường đầu tư, chẳng hạn như sự dễ dàng trong xuất nhập khẩu, việc có sẵn các nhà cung ứng địa phương, khung pháp lý, chi phí sản xuất, hạ tầng đầy đủ và vị trí địa lý của quốc gia lý giải cho hầu hết các sự khác biệt giữa các quốc gia trong dòng đầu tư FDI.
Tính hiệu quả của ưu đãi đầu tư do vậy liên quan đến môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ở nơi các ưu đãi đầu tư này được đưa ra và do vậy ưu đãi đầu tư không bao giờ có thể bồi hoàn và bù đắp cho những thách thức mà các điều kiện môi trường đầu tư yếu kém và không thuận lợi tạo nên.
Mặc khác, tác động kinh tế của ưu đãi đầu tư có thể được củng cố bởi những nhân tố địa lý đặc thù khác. Khảo sát chỉ ra rằng các quyết định đầu tư của các công ty nước ngoài bị tác động chủ yếu bởi nền tảng kinh tế vững chắc của nước chủ nhà, rồi sau đó mới đến khung ưu đãi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và trong các nước ASEAN, yếu tố ưu đãi đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng.
PV: Báo cáo cho thấy ưu đãi cho DN FDI đang cao hơn so với DN trong nước. Trong khi thực tế cho thấy các xuất khẩu của khối DN FDI đang chiếm tỷ trọng rất cao và xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khối này. Vậy ưu đãi này có phải đang tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng không, thưa ông?
Ông Patrick J. Gilabert : Nếu các DN FDI hoạt động trong những nhóm ngành khác với DN đầu tư trong nước sẽ không tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng. Tuy nhiên, việc giám sát tác động của đầu tư này nếu trong cùng một ngành mà có cả DN trong nước và nước ngoài thì việc này cần phải được phân tích và điều chỉnh.
Tôi cho rằng, cuối cùng đến một điểm nào đấy, các khuyến khích đầu tư này nên bình đẳng giữa trong nước và nước ngoài. Giống như các nước EU đang làm sẽ giúp Việt Nam cân bằng trong việc cạnh tranh giữa trong nước và ngoài nước.
PV: Hiện nay các DN FDI nhìn chung rất ít tái đầu tư cho tương lai, nhưng lại nới rộng kinh doanh. Phải chăng DN FDI đang lợi dụng chính sách ữu đãi của Việt Nam hay không?
Ông Patrick J. Gilabert: Các DN FDI đến Việt Nam là để tận dụng lợi thế, là được ưu đãi chứ không lợi dụng chính sách ưu đãi của Việt Nam. Tuy nhiên trong 5-10 năm tới, khi các ưu đãi đã bình đẳng thì nhân tố về ưu đãi sẽ không còn là yếu tố quan trọng nữa.
DN FDI tìm kiếm khi quyết định đầu tư dựa vào các yếu tố ổn định chính trị, kinh tế và thị trường tiêu thụ lớn.
PV: Tuy nhiên hiện có tình trạng nhiều DN FDI báo cáo kết quả kinh doanh báo lỗ, nhưng vẫn mở rộng kinh doanh, thưa ông?
Ông Patrick J. Gilabert: Lý do đằng sau rất đơn giản là họ trả ít thuế đi thôi. Tất cả các Công ty đa quốc gia đều như vậy cả.
PV: Vậy NĐT nước ngoài cần gì từ môi trường đầu tư của Việt Nam?
Ông Patrick J. Gilabert: Đó là sự ổn định về chính trị, kinh tế và một thị trường lớn. Việt Nam là cửa ngõ của ASEAN. Sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế ASEAN là điều kiện tốt để thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Hương thực hiện
Thời báo ngân hàng
|