Thứ Hai, 16/06/2014 18:33

Trung Quốc nhặt lưới rách, thùng phuy rơi để vu khống Việt Nam

Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi ở Trường Sa. Nên chính Trung Quốc phải rút khỏi những đảo họ đã dùng vũ lực xâm chiếm trái phép của Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ngang ngược đưa ra yêu cầu VN rút khỏi 29 đảo, đảo đá thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam

Chiều 16-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo lần thứ 5 về tình hình biển Đông. Họp báo diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng trên biển Đông và tiếp tục có các hành vi vi phạm chủ quyền VN ở cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại cuộc họp, phóng viên trong và ngoài nước đã đặt nhiều câu hỏi cho các thành viên chủ trì cuộc họp:

* Báo Asahi (Nhật Bản): Trung Quốc vừa đưa bằng chứng hình ảnh, video cho thấy tàu VN đâm va vào tàu Trung Quốc. Ông đã được xem chưa, ông có bình luận gì? Có hay không việc VN cử đặc công đến vùng giàn khoan?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Xin thông báo tôi chưa được xem clip do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố nhưng tôi đã được thông báo nội dung. Trong buổi họp báo đó, Trung Quốc đưa số liệu tàu Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc trên 1.500 lần. Xin khẳng định thông tin đó hoàn toàn sai sự thật.

Thực tế ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng vòi phun nước để chế áp tàu chấp pháp của VN. Không có chuyện tàu VN đâm vào tàu Trung Quốc. Hình ảnh Trung Quốc đưa tàu Trung Quốc bị chùn mũi, thì đó là tàu này đã dùng mũi đâm vào tàu Việt Nam. Tàu Việt Nam không thể dùng mạn đâm vào mũi tàu Trung Quốc được.

Trung Quốc nói Việt Nam sử dụng nhiều người nhái gây ảnh hưởng hoạt động tàu Trung Quốc, người Trung Quốc. Xin bác bỏ thông tin Việt Nam sử dụng người nhái. Đến thời điểm này Việt Nam không hề sử dụng lực lượng này.

Về vật trôi nổi, lưới Trung Quốc vớt được, chụp ảnh, như tôi đã trình bày, là do ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc áp đảo, nên ngư dân buộc phải bỏ lưới chạy, tránh bị phun nước. Trung Quốc vớt lưới lên, và nói phía Việt Nam thả. Các thùng phuy thì là thùng phuy đựng nhớt bị vòi rồng Trung Quốc phun vào nên rơi xuống nước…

* Báo Tiền Phong: Trung Quốc nói năm 1974 Trung Quốc chỉ xua đuổi quân Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ chủ quyền. Ông có bình luận gì?

- Ông Trần Duy Hải: Xin khẳng định các phát biểu trên là xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, họ đã bàn giao quyền quản lý cho Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có quân đồn trú tại Hoàng Sa, thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa.

Năm 1974 Trung Quốc đã tấn công các lực lượng của Việt Nam cộng hòa.

Đấy là một thực sự lịch sử. Ngay các trang mạng của Trung Quốc cũng đã đưa rất nhiều hình ảnh nêu Trung Quốc tấn công binh lính Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa.

* Báo Người lao động: Những bằng chứng từ thế kỷ XVII mà Việt Nam đưa ra trước nay có thể giúp Việt Nam trong việc đòi chủ quyền trước Trung Quốc?

- Ông Hà Lê: Chúng tôi đã giới thiệu các châu bản của nhà nước phong kiến Việt Nam. Đây là văn bản chính thức của Nhà nước nên có giá trị pháp lý. Một quốc gia khi muốn xác lập chủ quyền phải có hoạt động thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa nhà nước. Việc các đội được cử đến Hoàng Sa bởi Nhà nước là có giá trị pháp lý.

* VnExpress: Trung Quốc nói các tàu cá Việt Nam ngăn cản tàu chấp pháp Trung Quốc? Xin đề nghị bình luận?

- Ông Hà Lê: Hoàng Sa luôn là ngư trường truyền thống, từ bao đời nay ngư dân Việt Nam đã khai thác vùng biển này. Ngư dân khai thác ở đây là hoàn toàn bình thường theo pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế. Không hiểu Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam ngăn cản, quấy rối là như thế nào.

Như trên các tư liệu, Trung Quốc điều ra hơn 100 tàu các loại, đều là tàu lớn, tàu cá vỏ sắt, có công suất lớn. Tàu cá Việt Nam đều là gỗ, đi khai thác thủy sản. Việc Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam thường xuyên quấy rối là vô lý, không có căn cứ.

Xin khẳng định các tàu cá VN chưa bao giờ có hành động ngăn cản, quấy rối tàu Trung Quốc dù tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam.

* VOV: Ngày 13-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo, đảo đá ở Trường Sa. Xin bình luận về điều này?

- Ông Trần Duy Hải: Đề nghị của Trung Quốc rất vô lý, chúng tôi bác bỏ đề nghị đó. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Việt Nam đã quản lý, khai thác liên tục tại Trường Sa.

Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi ở Trường Sa.

Nên chính Trung Quốc phải rút khỏi những đảo họ đã dùng vũ lực xâm chiếm trái phép của Việt Nam năm 1988.

* VOV: Có học giả Indonesia cho rằng các nước ASEAN cần có hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc. Việt Nam có mong đợi việc các nước ASEAN có hành động?

- Ông Trần Duy Hải: Chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam có tài liệu pháp lý khẳng định chủ quyền. Nên mọi hoạt động các bên không có sự đồng ý của Việt Nam đều bất hợp pháp. VN ủng hộ biện pháp ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, chấm dứt hoạt động phi pháp ở biển Đông.

* Hãng thông tấn AP: Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện (Trung Quốc) sẽ có mặt ở Việt Nam tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo hợp tác Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam có nghĩ cuộc gặp này sẽ giúp giải quyết vấn đề?

- Ông Lê Hải Bình: Theo chúng tôi biết, ông Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam. Đây là cuộc gặp giữa hai chủ tịch Ban chỉ đạo hợp tác song phương. Trong các chủ đề cuộc gặp lần này, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan chắc chắn sẽ được đề cập.

VN luôn kiên trì, tìm mọi kênh để giải quyết hòa bình tình hình hiện nay trên biển Đông. Cuộc gặp lần này sẽ là một kênh để thảo luận, tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng.

* Báo Lao Động: Trung Quốc nói Pháp từng thừa nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa. Ông bình luận gì?

- Ông Trần Duy Hải: Ý kiến đó là hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào Việt Nam, Pháp đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Thực hiện chủ quyền, quản lý hành chính của Pháp tại Hoàng Sa là rất cao. Cơ quan này đã cấp giấy chứng sinh cho công dân Việt Nam được sinh ở Hoàng Sa.

Pháp đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc, thậm chí đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề giải quyết ở cơ quan tài pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc từ chối. Chúng tôi có rất nhiều công hàm Pháp gửi Trung Quốc.

* Vietnamnet: Trung Quốc hiện đang mở rộng một số công trình kiên cố ở Trường Sa. Xin cho biết phản ứng của VN?

- Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết Trung Quốc đã mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Gạc Ma và một số điểm khác vốn bị Trung Quốc chiếm từ tháng 3-1988.

Việt Nam cực lực phản đối hành vi này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xây dựng mở rộng trái phép, các hành động thay đổi hiện trạng, không để hành động tái diễn trong tương lai vì nó ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông…

Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết thời gian qua bất chấp Việt Nam hết sức kiềm chế, duy trì các cuộc tiếp xúc, bất chấp phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, các tàu của Trung Quốc gần đây vẫn hung hăng, cố tình tấn công, đâm va, sử dụng súng bắn nước, thậm chí tấn công đánh đập ngư dân Việt Nam…

Các nhà báo trong nước và quốc tế tại họp báo

Trong lúc đó, Trung Quốc cũng có hành vi mở rộng hoạt động trái phép đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng liên tục đưa luận điệu sai trái, vu khống Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa, cũng như nêu chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cụ thể Trung Quốc có công bố và đề nghị Liên Hiệp Quốc lưu hành tài liệu về chủ quyền của Trung Quốc này. Ngày 3-6, Trung Quốc cũng họp báo đưa luận điệu sai trái, vô căn cứ.

"Vì vậy, hôm nay, Bộ Ngoại giao họp báo công bố thông tin." - Ông Lê Hải Bình tuyên bố.

Ngay sau tuyên bố khai mạc của ông Lê Hải Bình, ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, khẳng định: Trung Quốc đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Những ngày qua Trung Quốc nói tàu Việt Nam bị đâm chìm vì Việt Nam chủ động đâm vào tàu Trung Quốc. Trung Quốc cũng nói tàu Việt Nam đâm va vào Trung Quốc. Nhưng các nhà báo ngồi đây cũng có người đã được chứng kiến thực địa, đã thấy thực tế là như thế nào.

Các đại biểu trên bàn chủ tọa họp báo

Bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc

Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Tài liệu lịch sử Trung Quốc đưa ra không có nguồn gốc không rõ ràng, không chính xác, đều là tài liệu cá nhân và nó được diễn giải tùy tiện. Một quốc gia chỉ có thể thiết lập chủ quyền khi thiết lập chủ quyền được duy trì khi hòn đảo còn vô chủ.

Về hành chính, khi ngư dân Trung Quốc cướp tài sản tàu buôn nước ngoài, chính quyền phong kiến Trung Quốc từng công bố các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam, nên Trung Quốc không chịu trách nhiệm việc ngư dân cướp tài sản tàu buôn nước ngoài.

Pháp đã thay mặt VN công bố chủ quyền Hoàng Sa đã được Việt Nam thiết lập. Chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng từng chiếm nhưng sau đó đã phải từ bỏ Hoàng Sa. Nhật Bản sau khi thua trong Thế chiến thứ hai buộc phải trao trả lãnh thổ của Trung Quốc nhưng trong hội nghị trao trả, cũng không hề nêu đến việc trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956 Trung Quốc chiếm phía đông Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối. Năm 1959 phía Trung Quốc định cho quân giả dạng ngư dân đổ bộ nhưng đã bị đập tan bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hơn 80 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt.

Năm 1974, lợi dụng chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực thôn tính Hoàng Sa. Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp.

Dùng vũ lực thôn tính không thể đưa lại chủ quyền cho Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ công nhận chủ quyền của mình ở đây. Công thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Trung Quốc xuyên tạc thực chất không hề đề cập gì đến vấn đề chủ quyền. Hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ ủng hộ Trung Quốc mở rộng vùng lãnh hải từ 3 lên 12 hải lý.

Là một bên ký kết Hiệp định 1954, Trung Quốc rõ ràng hiểu được Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Nhà nước Việt Nam sau khi thống nhất đã xác định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam đang thiện chí giải quyết vụ việc thông qua đàm phán và biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu xây dựng.

30 lần tiếp xúc

Ông Trần Duy Hải nói tiếp: Trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã nỗi lực liên lạc, đối thoại với nhiều hình thức, nhiều cấp, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền của Việt Nam, tạo điều kiện hai bên đàm phán… VN đã tiếp xúc hơn 30 lần nhưng Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán thực chất.

Trung Quốc vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, nhưng Trung Quốc hoàn toàn không đưa bằng chứng nào trong khi Việt Nam đã đưa nhiều băng hình. Việt Nam đã mời nhà báo quốc tế ra hiện trường và các nhà báo đã phản ánh trung thực. Việt Nam đã thể hiện thiện chí yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế. Nên Trung Quốc nói cánh cửa đàm phán rộng mở là không đúng thực tế.

Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Trong phần phát biểu của mình, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), cho biết: Về hoạt động thăm dò, khai thác của VN tại biển Đông, trong hơn 40 năm qua, PVN đã triển khai bình thường hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và vùng phụ cận.

Đến nay, PVN đã ký hơn 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó có 41 hợp đồng còn hiệu lực. Việt Nam đã khoan hơn 900 giếng khoan. Tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Việt Nam khai thác bình thường và liên tục

Trước năm 1975, ngay từ những năm 1969-1970, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành khảo sát dầu khí ở vùng biển của Việt Nam.

Năm 1993, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris đã khảo sát, kết hợp lấy mẫu vùng biển Hoàng Sa.

Từ năm 1996 đến nay, PVN cùng các công ty dầu khí quốc tế vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và hoàn toàn tôn trọng công ước Luật biển quốc tế 1982.

Khảo sát gần đây nhất là tháng 4-2014, Việt Nam đã cùng công ty của Mỹ hoàn thành khảo sát ở khu vực Hoàng Sa. Đã có nhiều công trình nghiên cứu được tác giả trong ngoài nước trình bày ở trong và ngoài nước và được thừa nhận, đánh giá cao. Vì vậy, PVN vẫn tiến hành bình thường hoạt động ở vùng Hoàng Sa. Và tới đây, PVN sẽ tiếp tục hoạt động của mình ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa một cách bình thường như đã thực hiện trong 40 năm qua.

Lần thứ nhất năm 2003, giàn khoan của Trung Quốc đã định khoan và Trung Quốc đã phải dừng. Lần thứ hai Trung Quốc khảo sát gần đảo Tri Tôn bằng tàu. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã xua đuổi.

Năm 2007 Trung Quốc lại tiếp tục đưa tàu ra, Việt Nam đã yêu cầu nhà thầu ngoài không tham gia với Trung Quốc…

Năm 2010, 2011 Trung Quốc vẫn đưa tàu ra khảo sát lô 141, 143 của Việt Nam. Năm 2012 Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vì phi lý nên không có công ty nào tham gia với Trung Quốc.

Một lần nữa, PVN cực lực phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN và không tái diễn hành động tương tự…

Sai lệch và phi lý

Tiếp lời, ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam thông tin: Hiện nay giàn khoan của Trung Quốc đã ổn định. Thông tin mới nhất, ngày 15-6, Trung Quốc sử dụng 110 chiếc tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, trong đó có 6 tàu chiến, trong đó hai tàu hộ vệ tên lửa, hai tàu tên lửa tấn công nhanh, hai tàu quét mìn, 34 tàu hải cảnh, 2 tàu hải giám, 2 tàu hải tuần, 14 tàu vận tải, 33 tàu cá…

Phương thức hoạt động tàu Trung Quốc cơ bản không thay đổi, dùng khoảng 15 chiếc áp bên mạn, chặn đầu, chặn đuôi các tàu VN để tàu VN không tiếp cận được giàn khoan, chủ động đâm va… Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục sử dụng máy phát âm tần, rú còi, gây ảnh hưởng sức khỏe thuyền viên Việt Nam… Trung Quốc cũng tiếp cận các tàu cá Việt Nam ở khoảng cách với giàn khoan khoảng 30 hải lý…

Ngày 13-6, Bộ ngoại giao Trung Quốc họp báo về giàn khoan Hải Dương 981, trong đó đưa ra thông tin, hình ảnh sai lệch hiện trường. Xin làm rõ như sau.

- Thứ nhất, việc Trung Quốc công bố tính đến 12g ngày 13-6 các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1.547 lần vào tàu Trung Quốc, làm tàu hư hỏng. Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên.

Thực tế vừa qua chỉ tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va, phun nước vào tàu Việt Nam làm cho các tàu Việt Nam bị hư hỏng, trong đó tàu kiểm ngư là 23 tàu, tàu cảnh sát biển 5 tàu, tàu cá 7 tàu. Từ ngày 3-5 đến nay, có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương.

Việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại hiện trường, xin khẳng định Việt Nam không hề sử dụng người nhái.

Về lưới đánh cá, vật trôi nổi, nguyên nhân khu vực này là khu vực đánh cá truyền thống của Việt Nam. Tàu Trung Quốc thường ngăn cản nên tàu Việt Nam buộc phải bỏ lưới để cơ động, tránh truy cản của Trung Quốc. Tàu Trung Quốc thu lưới lấy về làm bằng chứng.

Các thùng phuy do Trung Quốc đâm va vào tàu VN, dùng vòi rồng phun sang, làm thùng phuy, mảnh ván thiết bị… bị văng xuống biển. Trung Quốc vớt lên coi là bằng chứng là phi lý.

Các phóng viên thông tấn báo chí quốc tế đã ghi được đầy đủ tàu, số hiệu của Trung Quốc. Lý giải ngày nào cũng có 4-6 tàu chiến đi qua bình thường khu vực này là phi lý. Tôi xin khẳng định tàu Việt Nam chủ động vòng tránh trước hành động đâm va của Trung Quốc, không chủ động đâm va, chỉ dùng loa tuyên truyền.

Tàu Việt Nam nhất quán không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực…

Kiên quyết bảo vệ ngư dân

Ông Hà Lê, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, cho biết thêm: Hiện Trung Quốc duy trì trung bình khoảng 120 tàu các loại/ngày. Tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu kiểm ngư VN dưới nhiều hình thức.

Thậm chí, phía Trung Quốc còn sử dụng đèn pha công suất lớn, loa âm tần để tác động tâm lý cho thủy thủ Việt Nam. Trung Quốc còn sử dụng cách chặn đầu, lùi lại để tạo bằng chứng vu cáo tàu Việt Nam đâm va.

Đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va như Trung Quốc nêu.

Tháng 5-2014, Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trong 2,5 tháng, trong đó vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 16-5. Nhưng cũng đúng ngày 16-5, Trung Quốc huy động hàng chục tàu cá ra giàn khoan. Chứng tỏ các tàu này không nhằm mục đích đánh cá. Họ dùng công cụ chuyên dụng cắt lưới, đâm chìm tàu cá Việt Nam…

Chỉ tính từ ngày 1-5, đã có 17 tàu cá VN bị lực lượng chấp pháp Trung Quốc làm hư hại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu tàu cá Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc nhiều lần và lật, xin khẳng định khu vực này tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Thực tế, tàu 11209 của Trung Quốc đã chủ động bám đuổi đâm đến khi tàu Việt Nam bị chìm. Tàu Trung Quốc còn ngăn cản tàu Việt Nam cứu 11 ngư dân. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh.

Trên thực địa, lực lượng của chúng tôi vẫn kiên quyết nhưng dùng biện pháp hòa bình. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển của Việt Nam…

Trước đó, từ lúc 16g45, bốn hàng ghế đầu của ngoại giao đoàn đã cơ bản kín chỗ. Các phóng viên trong nước và quốc tế tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến tình hình biển Đông khi tìm đến xin trước ban tổ chức những clip mới vừa được chuyển về từ hiện trường.

Từ 16g, các phóng viên đã bắt đầu tập trung tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch - địa điểm quen thuộc vẫn được dùng để tiến hành các cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao).

Chủ trì cuộc họp báo quốc tế ngày 16-6 gồm:

- Ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ ngoại giao VN;

- Ông Nguyễn Quốc Thập - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN;

- Ông Ngô Ngọc Thu - phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN;

- Ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia;

- Ông Hà Lê - phó cục trưởng Cục Kiểm ngư VN.


Hương Giang - Cầm Văn Kình

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tên lửa chống hạm "khủng" của Nhật tiến ra biển Hoa Đông (16/06/2014)

>   Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc “sắp sang Việt Nam” (16/06/2014)

>   Không loại trừ Trung Quốc tập kích tàu bè, bắt cóc con tin (16/06/2014)

>   Bình Dương sẽ thành đô thị trực thuộc Trung ương (16/06/2014)

>   Thủ tướng mà cũng biết... xếp hàng!? (15/06/2014)

>   Phiến quân khép chặt các mũi tấn công thủ đô Iraq (15/06/2014)

>   Nhiều bến cảng, khu công nghiệp “buông” xe chở quá tải (15/06/2014)

>   4 tháng để làm thủ tục và nộp thuế: Nỗi khổ không dễ xóa (15/06/2014)

>   Máy bay quân sự Ukraine bị bắn rơi, 49 người chết (14/06/2014)

>   Bắt Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bưu điện TPHCM (14/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật