Nhật ký Hoàng Sa
Không loại trừ Trung Quốc tập kích tàu bè, bắt cóc con tin
Ngày 15-6, vùng biển Hoàng Sa thời tiết có phần tốt lên, chỉ huy biên đội kiểm ngư 4 (tốp 4) quyết định đưa toàn bộ tàu trong biên đội gồm tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển áp sát khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam.
Tàu cá của Trung Quốc đi thành từng đàn dưới sự yểm trợ của tàu quân sự và tàu hải giám để sẵn sàng đâm va vào tàu Việt Nam.
Lúc này, trên vùng biển Hoàng Sa, các đội tàu của Việt Nam cũng chia thành nhiều mũi đồng loạt tiến vào khu vực giàn khoan theo nhiều hướng, buộc các tàu Trung Quốc phải phân tán lực lượng.
Tại tốp 4, bình thường có từ 10-12 tàu Trung Quốc ra truy cản nhưng trong sáng 15-6 chỉ có bảy tàu Trung Quốc lao ra. Trong số các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ ở tốp 4 thì tàu CSB 4032 bị phía Trung Quốc uy hiếp nhiều nhất vì tàu này có tính cơ động cao, thường xuyên áp sát sâu vào khu vực giàn khoan. Trong sáng 15-6, cùng lúc ba tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh 2166 và hai tàu đầu kéo tìm cách vây ép tàu CSB 4032 khi tàu cách giàn khoan 8 hải lý. Đến chiều cùng ngày, phía Trung Quốc tăng cường lực lượng tàu hải cảnh và tàu kéo để ngăn không cho tàu của Việt Nam tiến sâu hơn vào khu vực giàn khoan theo hướng tây - tây nam. Cùng lúc, phía Trung Quốc còn đưa máy bay trinh sát mang số hiệu CMS 3843 bay thấp trên đội hình tàu Việt Nam.
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, tàu CSB 4032 đã tiến vào gần giàn khoan với khoảng cách 8,2 hải lý.
Trong khi đó, tàu CSB 4033 bị tàu hải cảnh 32101 truy cản với tốc độ lên tới 24 hải lý/giờ và có lúc tàu này đã chạy song song tàu CSB 4033 với khoảng cách rất gần chỉ 15-20m. Chiều 15-6, phóng viên Tuổi Trẻ có mặt trên tàu CSB 4033 cho biết vào lúc 13g50, tàu này đã lần thứ 2 tiến sát được vào giàn khoan nhưng các tàu Trung Quốc dàn hàng dọc và hàng ngang dày đặc để chặn hướng di chuyển của các tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, tàu CSB 4033 liên tục phát loa tuyên truyền phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Ngược lại, phía Trung Quốc phát loa đưa ra những lời lẽ xuyên tạc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và đe dọa sử dụng “biện pháp mạnh” nếu tàu cảnh sát biển Việt Nam không chịu rời đi. Tuy nhiên, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn giữ vững đội hình và vị trí, tiếp tục phát loa tuyên truyền.
Theo nhận định của ông Cao Văn Chiến - chỉ huy tốp 4, không loại trừ tình huống thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, nhất là vào ban đêm, phía Trung Quốc sẽ tổ chức tập kích phá tàu bè và bắt cóc con tin để phục vụ các ý đồ vu khống Việt Nam. Ông Chiến còn nói sau khi phát hiện tàu Việt Nam gia cố hệ thống cửa kính, phía Trung Quốc gần như hạn chế việc phun vòi rồng mà thay vào đó huy động các tàu kéo có tính cơ động cao để sẵn sàng đâm va.
Báo cáo nhanh của Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết không chỉ ban ngày mà từ đêm 14-6 các tàu Trung Quốc gồm hai tàu hải cảnh, một tàu vận tải liên tục rọi đèn pha vào các tàu Việt Nam, hú còi to nhằm uy hiếp các tàu của ta. Trong ngày hôm qua, các tàu Trung Quốc sử dụng tốc độ cao để quấy phá các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa.
Cục Kiểm ngư còn cho biết trong ngày hôm qua, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 36-40 tàu hải cảnh, 30-32 tàu vận tải và tàu kéo, sáu tàu quân sự và 45-50 tàu cá. Từ lúc 8g25 đến gần 9g10, lực lượng kiểm ngư quan sát thấy một máy bay quân sự bay từ hướng đông bắc với độ cao khoảng 500m, bay hai vòng trên khu vực tây nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 40 hải lý.
Đăng Nam - Đức Bình - My Lăng
Tuổi trẻ
|