Thứ Sáu, 20/06/2014 09:41

Thiết lập cơ chế quản lý rủi ro để kéo giảm nợ xấu

Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua nợ xấu của 35 tổ chức tín dụng, với số nợ xấu trên 45.000 tỷ đồng. Riêng trong quý I.2014 công ty mua thêm gần 4.000 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch năm.

Mục tiêu của VAMC trong năm nay là sẽ mua vào từ 100 đến 150.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các ngân hàng có đủ khả năng trích dự phòng 20% theo quy định để bán nợ xấu cho VAMC hay không? Trao đổi về vấn đề này, CHUYÊN GIA NGÂN HÀNG NGUYỄN TRÍ HIẾU cho rằng, ngân hàng phải thiết lập các cơ chế về quản lý rủi ro mới có thể kéo giảm nợ xấu.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những bước đi ban đầu của VAMC trong việc mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng?

- Cho đến nay, VAMC đã mua được khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Nếu dư nợ toàn hệ thống vào khoảng 3 triệu tỷ đồng thì số nợ xấu theo Ngân hàng Trung ương cũng như Ủy ban giám sát tài chính quốc gia khoảng 10% thì tổng nợ xấu vào khoảng 300.000 tỷ đồng. VAMC khi đã mua được 45.000 tỷ đồng, khoảng 15% của tổng số nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đó là con số dựa vào tiền đề là tổng số nợ xấu Việt Nam vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Nếu con số thực tế lớn hơn thì số nợ VAMC mua có lẽ sẽ còn giảm xuống. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu chưa được rốt ráo do hiện tại VAMC mới chỉ mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại rồi đem tài sản xấu từ các ngân hàng thương mại qua VAMC, VAMC xử lý, thu hồi một số nợ xấu nhưng kết quả còn rất ít. Thành ra bước đầu VAMC mua nợ xấu đã được thực hiện và cho đến giờ là vào khoảng 15% tổng số nợ xấu nhưng vấn đề nợ xấu vẫn còn nằm đó, mà chưa được xử lý một cái rốt ráo. Tôi thấy rằng, đây là một thành quả bước đầu tốt nhưng bước sau có lẽ còn quan trọng hơn nữa.

- Với mức tăng trưởng tín dụng 1% trong 4 tháng đầu năm, ông đánh giá như thế nào về khả năng trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại để có thể bán nợ xấu cho VAMC?

- Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng kinh doanh không tốt do tăng trưởng tín dụng quá thấp, chỉ 1% thì kết quả kinh doanh không đạt được như mong muốn. Chính vì kết quả kinh doanh thấp nên khả năng trích lập dự phòng thấp. Chúng ta biết, nợ hiện được phân 5 loại: nhóm 1 là những nợ bình thường; nhóm 2 là nợ quá hạn từ 10 - 90 ngày; nhóm 3 là từ 90 - 180 ngày; nhóm 4 là từ 180 - 360 ngày và nhóm 5 là từ 360 ngày trở lên. Bấët cứ món nợ nào quá hạn sẽ nhảy sang nhóm khác. Khi nhảy nhóm thì trên nguyên tắc các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng các tổ chức tín dụng không làm như vậy, thường mỗi quý họ trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng thì phải đợi đến cuối năm mới trích lập dự phòng rủi ro. Kết quả kinh doanh thấp trong những tháng đầu năm 2014 có lẽ cũng không phải là chuyện quá quan trọng với việc trích lập dự phòng rủi ro. Vì như đã nói, rất nhiều tổ chức tín dụng đến cuối năm mới trích lập dự phòng rủi ro, thành ra kết quả kinh doanh thấp cũng không ảnh hưởng nhiều.

- Vậy theo ông, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sáp nhập các ngân hàng yếu kém trong thời gian qua có giúp xử lý nợ xấu của các ngân hàng này được tốt hơn không?

- Tôi nghĩ là có, khi các ngân hàng sáp nhập với nhau thì họ phải đưa tài sản của mình ra cho đối tác xem, trong đó có tài sản xấu. Khi mua nợ xấu của ngân hàng khác thì việc đầu tiên là phải xem trong cơ thể của ngân hàng mời mua này có bao nhiêu nợ xấu. Những ngân hàng mua nợ xấu phải dựa vào số tài sản xấu, tài sản độc hại để định giá mua lại. Thành ra, các ngân hàng sáp nhập với nhau thì có điểm rất tích cực là ngân hàng đưa ra tất cả sổ sách, đặt mọi vấn đề lên mặt bàn để đối tác cùng xem và đưa ra thương lượng dựa vào số tài sản đó. Khi minh bạch hóa thì ngân hàng nhìn thấy nợ xấu và từ đó nợ xấu cũng được giải quyết.

Nhưng phải hiểu rằng đó là những vấn đề mà hai ngân hàng làm việc bí mật với nhau. Khi họ đưa ra tài sản, mỗi ngân hàng đều có quyền kiểm tra cũng như điều tra tài sản của ngân hàng khác. Thế nên, việc sáp nhập có điểm tích cực là cùng tìm hiểu một vấn đề để thương lượng, giá mua bán. Nhưng, trên công luận cũng như về mức độ giám sát các ngân hàng thì việc sáp nhập chưa chắc đã đưa đến một kết quả tốt. Bởi, sẽ phơi bày nợ xấu của các ngân hàng ra. Ngân hàng Trung ương cũng như người dân cần phải có những thông tin khác để hiểu được tình hình nợ xấu tại Việt Nam và mức độ nghiêm trọng của nó.

- Câu chuyện nới room (nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng Việt Nam) cho các nhà đầu tư nước ngoài lên 30% đã tạo được chuyển biến cho quá trình xử lý nợ xấu chưa, thưa ông?

- Tôi nghĩ là chưa. Trong thời gian qua, một số ngân hàng nước ngoài đầu tư vào ngân hàng Việt Nam, họ đã thoái vốn. Theo thông tin mà họ đưa ra ngoài công luận thì thoái vốn nằm ở trong tiến trình tái cơ cấu lại các danh mục. Nghĩa là họ xem việc thoái vốn là bình thường. Nhưng đó là cách nói của họ. Tôi nghĩ, vấn đề nợ xấu của Việt Nam cũng là một trong những lý do đưa đến việc những nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn tại ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, chính những tỷ lệ cổ phần của họ rất thấp. Tất cả các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào ngân hàng Việt Nam không quá 30%. Tỷ lệ đó quá thấp để các ngân hàng thương mại nước ngoài có tỷ lệ đáng kể có thể thay đổi được ngân hàng đó. Nếu họ có được tỷ lệ cao hơn, khoảng 51% là tỷ lệ khống chế thì họ có thể thay đổi toàn bộ hội đồng quản trị, thay đổi toàn phần các thành phần của hội đồng quản trị và thay đổi các chính sách của ngân hàng đó. Trong khi họ giữ tỷ lệ cổ phần tại một ngân hàng không thể quá 20% và tất cả ngân hàng không quá 30%. Tỷ lệ đó không tạo cho họ điều kiện để họ thay đổi một ngân hàng. Ngân hàng nước ngoài muốn thay đổi, muốn để nợ xấu có những chính sách, có những quy chế thích hợp hơn để xử lý thì với tỷ lệ 30% họ bó tay. Và tôi nghĩ đó cũng là một lý do tại sao một số ngân hàng nước ngoài thoái vốn tại Việt Nam.

- Theo ông, để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu còn 3% trong năm 2015, cần có thêm những biện pháp nào?

- Tôi nghĩ, vấn đề xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng, vì nợ xấu ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của chúng ta. Theo kinh nghiệm của tôi, ít nhất 50% nợ xấu hiện tại của Việt Nam là nợ mất vốn, tức là khoảng 150.000 tỷ đồng là số lượng rất lớn. Hiện tại chúng ta đang có tỷ lệ nợ xấu là 10%, nếu muốn kéo xuống 3% thì chúng ta phải xử lý nợ tồn đọng. Để kéo nợ xấu xuống thì thứ nhất là phải tránh nợ xấu mới phát sinh. Nợ mà ta nói rằng khoảng 300.000 tỷ đồng là nợ trong quá khứ. Nhưng nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh thì phải ngăn chặn bằng cách các ngân hàng phải có chế độ hậu quản lý rủi ro. Trong tương lai, chúng ta phải giảm thiểu nợ xấu phát sinh bằng cách các ngân hàng thương mại phải có biện pháp quản lý rủi ro. Trong trường hợp này vai trò của ngân hàng Trung ương rất quan trọng, phải đưa ra những quy chế đặc biệt bắt các ngân hàng thiết lập các cơ chế về quản lý rủi ro, bắt các ngân hàng phải đưa ra những chính sách, những kế hoạch để quản lý rủi ro thì từ đó tỷ lệ nợ xấu mới có thể kéo xuống 3%.

- Xin cám ơn ông!

Nhữ Anh

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Đổi 100 USD, phạt 400 triệu đồng (20/06/2014)

>   Sacombank dành hơn 1/3 sản phẩm dịch vụ cho nông nghiệp (20/06/2014)

>   Ông Trương Văn Phước: Mua USD ít được lợi (20/06/2014)

>   3 dự án được cho vay hỗ trợ nhà ở trong tháng 5 (19/06/2014)

>   Ngân hàng Oversea – Chinese Banking chi nhánh Tp.HCM tăng vốn (19/06/2014)

>   Tỷ giá USD hạ nhiệt (19/06/2014)

>   HSBC: Tỷ giá tăng 1% không làm VNĐ suy yếu (19/06/2014)

>   Sacombank hợp tác cùng Rabobank về tài chính trong thực phẩm và nông nghiệp (19/06/2014)

>   Thống đốc: Đã có doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 7% (19/06/2014)

>   Trước, trong và sau sự kiện điều chỉnh tỷ giá USD/VND (19/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật