Nông nghiệp Việt Nam: Cơ hội tái cơ cấu sản phẩm
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH.
Thưa ông, nội dung quan hệ giao thương Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp là gì?
Nói một cách ngắn gọn: quan hệ buôn bán làm ăn giữa Trung Quốc – Việt Nam là lâu dài, bắt nguồn từ lịch sử lâu đời, quyền lợi nhân dân 2 nước gắn liền với nhau, có lợi cho hai nước và cả quốc tế.
Xét về mặt quan hệ song phương, đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc vào nông nghiệp Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên nguyên phụ liệu của Trung Quốc xuất sang Việt Nam phục vụ sản xuất nông nghiệp như thuốc, phân bón, giống… hay nguyên vật liệu máy móc, thiết bị sản xuất thì đáng kể. Việt Nam lại xuất khẩu nhiều nông sản sang Trung Quốc, cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, như: lúa gạo, cao su, rau quả, dừa, thủy sản… khá đa dạng về chủng loại nông sản. Ngược lại, Trung Quốc cũng xuất khẩu sang Việt Nam các loại rau quả ôn đới, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản…. Bên cạnh đó là các quan hệ du lịch, dịch vụ khá sôi nổi.
Nhưng trong số các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản ở Việt Nam, một số DN có vốn đầu tư của Trung Quốc hoặc do Trung Quốc cung cấp nguyên liệu trung gian, cung cấp vật tư công nghệ. Vì vậy, có thể nói quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa là quan hệ song phương trực tiếp vừa có tính đa phương nếu xét về chuỗi sản xuất hàng hóa.
Theo ông, tình hình phức tạp ở Biển Đông có thể gây ảnh hưởng thế nào?
Tôi nghĩ đây là mối quan hệ dài hạn gắn liền với lợi ích chung của nhân dân hai nước, không vì bất kỳ lý do gì mà làm gián đoạn giao thương hay hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Tôi cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại nếu xấu đi sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào cả vì nó gắn liền an ninh lương thực, đến xóa đói giảm nghèo, đến việc làm nông thôn… là những lĩnh vực mà Trung Quốc và Việt Nam đều lo chăm chút. Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng”, ở đó các quan hệ kinh tế, xã hội ràng buộc với nhau, cho nên bảo vệ lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng cần duy trì ổn định quan hệ kinh tế thương mại.
Cấm biên không phải là hành động khôn ngoan. Trung Quốc cần nhập khẩu gạo từ Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực cho chính họ, nhập khẩu hoa quả và nông sản khác như chè, sắn, cao su... để phục vụ chế biến công nghiệp. Phần lớn hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu của Việt Nam là cung cấp cho các tỉnh Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc. Đây là những khu vực đa sắc tộc, khá phức tạp và cần ổn định để phát triển kinh tế. Nếu nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam bị dừng thì chính họ sẽ gặp bất an lớn về kinh tế, xã hội.
Trong trường hợp hoạt động thương mại đột ngột gián đoạn, Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn, vậy giải pháp ứng phó là gì, thưa ông?
Kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá cao. Chỉ riêng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 50% và thuốc trừ sâu là 50% tổng lượng nhập khẩu. Nếu kể đến lượng hàng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam thì thấy quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước rất sôi động, là lợi ích của cả hai bên.
Trước hết, như tôi đã nói, các DN phải nhanh chóng chủ động đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào của mình, nhất là nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin, giống cây trồng vật nuôi, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất...
Thứ hai là đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản của mình, nhất là với những chủng loại mà thị trường Trung Quốc hiện nay đóng vai trò quan trọng. Việc này hoàn toàn thống nhất với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, là hướng vào các thị trường khó tính hơn, đòi hỏi chất lượng cao hơn nhưng đem lại giá trị cao hơn. Chúng ta cũng nhắm vào việc nâng cao giá trị sản phẩm qua chế biến, có thương hiệu, bao bì nhãn mác tốt để đi sâu vào thị trường thế giới hơn, thay vì chỉ buôn bán tiểu ngạch, xuất thô như hiện nay.
Đặc biệt, cần lưu ý tăng cường công tác quản lý hoạt động buôn bán tiểu ngạch, đảm bảo chống gian lận thương mại, làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm tra nhãn mác, thương hiệu, xuất xứ rõ ràng để tránh tình trạng gây rối loạn thương mại, làm lây lan dịch bệnh, nhằm giảm rủi ro trong tình trạng căng thẳng chung.
Theo tôi đây là thời cơ tốt để nông nghiệp Việt Nam hướng tới việc tái cơ cấu sản phẩm chủ yếu, chất lượng cao, sâu hơn, an toàn hơn, đa dạng hơn.
Về lâu dài, thị trường Trung Quốc vẫn hết sức hấp dẫn và quan trọng cho nông nghiệp. Trước tình hình một số DN rút lao động Trung Quốc về nước, các địa phương có điều kiện phải tiến hành dạy nghề học nghề, bổ sung lực lượng lao động có tay nghề kịp thời. Những việc cần lao động trong nước thay thế không đòi hỏi tay nghề trình độ kỹ năng cao, nhưng phải gắn vào dây chuyền công nghệ, phối hợp dây chuyền đang có. Các tỉnh có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo bổ sung. Đây là một việc phải xử lý cấp bách nhưng cũng là nguồn tạo việc làm cho lao động nông thôn của Việt Nam.
Xin cảm ơn tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Tri Nhân
thời báo ngân hàng
|