Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi: Nhiều điểm mới nhưng thiếu minh bạch
Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi (dự thảo luật) vừa được Quốc hội thảo luận cách nay chưa lâu. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật có nhiều tiến bộ song còn những điều thiếu minh bạch.
Dự thảo luật gồm 105 điều, được bố cục thành 8 chương với những nội dung được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện nhằm khắc phục những bất hợp lý của Luật Hải quan hiện hành. Một số nội dung mới của dự thảo luật đã hướng tới xây dựng một ngành hải quan hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn khiếm khuyết lớn, đó là sự thiếu minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan hải quan, công chức hải quan với người khai hải quan.
Chẳng hạn về xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan, điều 82 dự thảo luật quy định: “Kết thúc kiểm tra sau thông quan, người ký ban hành quyết định kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra gửi người khai hải quan; quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”.
Với quy định trên, việc xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan chỉ thực hiện với người khai hải quan, công chức hải quan có liên quan đến việc giải quyết thông quan hàng hóa có trách nhiệm như thế nào? Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo luật đề nghị quy định cụ thể hơn khi phát hiện lỗi thuộc người khai hải quan và lỗi thuộc công chức hải quan. Bởi, không thể cho rằng, công chức hải quan vô can khi hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện sau khi kiểm tra sau thông quan.
Dự thảo luật đã “bỏ quên” trách nhiệm của cơ quan hải quan, công chức hải quan. Song, điều quan trọng hơn là, cái sự “quên” đó không phải là ngẫu nhiên, khi trách nhiệm và những khó khăn lại đẩy về phía doanh nghiệp và người dân.
|
Về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tổ chức thu thuế và các khoản thu khác được quy định tại điều 84 dự thảo luật như sau: “1. Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện thống nhất việc thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. 2. Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo chức năng và thẩm quyền được phân cấp kiểm tra việc kê khai, tính thuế; thực hiện miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, ấn định thuế của người khai hải quan; thu thuế và quản lý việc nộp thuế”.
Câu hỏi được đặt ra là, với thẩm quyền nói trên cơ quan hải quan, công chức hải quan chịu trách nhiệm như thế nào khi việc gian lận thuế bị phát hiện?
Trong thực tế, khi phát hiện việc áp sai mã HS dẫn đến bị truy thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm. Và với những quyết định truy thu hàng chục, thậm chí tới hàng trăm tỉ đồng, doanh nghiệp bị truy thu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cần quy định thêm khoản 3 điều này như sau “3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định số thuế và các khoản thu khác phải nộp đã thông báo cho người khai hải quan”.
Có thể nêu thêm những ví dụ khác chứng minh rằng, dự thảo luật đã “bỏ quên” trách nhiệm của cơ quan hải quan, công chức hải quan. Song, điều quan trọng hơn là, cái sự “quên” đó không phải là ngẫu nhiên. Chủ trì soạn thảo dự án luật là Bộ Tài chính, nên cũng không khó hiểu khi mà ban soạn thảo dành cho ngành mình thật nhiều quyền hạn nhưng trách nhiệm lại ít nhất. Ngược lại, trách nhiệm và những khó khăn lại đẩy về phía doanh nghiệp và người dân.
Điều này không chỉ xảy ra đối với dự thảo Luật Hải quan mà xuất hiện rất phổ biến trong hầu hết các dự án luật ở Việt Nam. Đã đến lúc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục tình trạng nêu trên để có thể thực sự đổi mới thể chế trong quản lý kinh tế, xã hội.n
Luật gia Vũ Xuân Tiền (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam)
tbktsg
|