Nhiều doanh nghiệp dược nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc
Giới quản lý trong các doanh nghiệp dược nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đang tìm cách rời khỏi nước này, hoặc tìm việc làm ở nước khác nhằm đối phó với chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực này.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời giới quản lý trong các doanh nghiệp này cho biết họ tìm đường rời khỏi Trung Quốc do lo sợ sẽ bị án tù sau khi chính quyền Bắc Kinh khởi tố ông Mark Reilly, cựu lãnh đạo Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh chi nhánh Trung Quốc. Năm 2013, GSK bị cáo buộc đã hối lộ giới y bác sĩ của Trung Quốc để mở rộng thị trường ở đây.
Họ cho rằng cảnh sát Trung Quốc đã khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài bị sốc vì cách “xử lý bất ngờ” đối với một người nước ngoài như ông Reilly hồi tháng 5-2014. Hiện ông Reilly bị cấm đi khỏi Trung Quốc và có thể đối mặt với bản án tù hàng chục năm.
Nhiều nhà quản lý người nước ngoài đã tìm đến luật sư nhờ tư vấn cách “lánh nạn” khỏi Trung Quốc trong vòng sáu tháng nhằm tránh cơn bão “trừng phạt” ngành dược. Báo South China Morning Post dẫn lời luật sư John Huang, thuộc văn phòng luật sư MWE ở Thượng Hải, cho biết: “Nhiều khách hàng của chúng tôi đang hỏi về bảo hiểm và tài sản cá nhân. Nhiều nhà quản lý nước ngoài còn hỏi nếu họ bị tù thì gia đình họ sẽ ra sao và công ty sẽ hỗ trợ gì để bảo vệ họ”.
Luật sư Huang cho biết nhiều nhà quản lý người nước ngoài đang xem xét lại những nguy cơ liên quan đến pháp lý khi họ đến Trung Quốc làm việc. Theo giới luật sư, các nhà quản lý là người nước ngoài ở Trung Quốc đang nhờ tư vấn về việc chuyển sang Singapore, Hong Kong hay một quốc gia khác để làm việc.
Một số doanh nghiệp quốc tế cũng đang khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên nước ngoài đến Trung Quốc làm việc. Nhiều doanh nghiệp dược nước ngoài như Novo Nordisk, Eli Lilly và Roche đã thay lãnh đạo đại diện chi nhánh ở Trung Quốc trong năm 2013.
Mỹ Loan
Tuổi Trẻ
|