Nước ép Coke - Pom Wonderful: đi kiện và bị kiện
“Người khổng lồ” Coca-Cola (Coke) đang phải hầu tòa vì quảng cáo “quá trớn” cho sản phẩm nước ép quả lựu Minute Maid "Pomegranate Blueberry". Chính đối thủ Pom Wonderful đã đâm đơn kiện.
Hôm 12-6, Tòa án tối cao đã ủng hộ hãng sản xuất nước ép Pom Wonderful trong vụ tranh chấp kéo dài với Coca-Cola, quyết định mở cửa tiếp nhận các vụ kiện tụng chống lại tập đoàn sản xuất nước giải khát lớn nhất thế giới vì dán nhãn sản phẩm lừa đảo.
Trong một vụ kiện tụng riêng biệt, chính phủ liên bang đã đâm đơn kiện trường hợp quảng cáo lừa đảo của Pom Wonderful. Hãng này tuyên bố rằng nước ép quả lựu của mình có khả năng điều trị hoặc phòng tránh bệnh tim, ung thư tuyến tiền liệt và một số bệnh khác. Đơn kiện của Ủy ban Thương mại liên bang đang chờ tại tòa án phúc thẩm. |
Các thẩm phán khẳng định Pom có thể đâm đơn kiện Coca-Cola vì dòng sản phẩm Minute Maid của Coca-Cola được dán nhãn "Lựu-việt quất" đã gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Thực tế loại thức uống này là tổng hợp 5 loại trái cây, với hơn 99% thành phần là nước ép táo và nho, chỉ có 0,3% nước ép lựu, 0,25% nước ép việt quất và 0,1% nước ép trái raspberry.
Trong khi đó, tòa án sơ thẩm lại ủng hộ Coke vì cho rằng nhãn tuân thủ pháp luật và quy định của Cơ quan quản lý thực phẩm - dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Nhưng Tòa án tối cao kết luận dù Coke có máy móc tuân theo quy định của FDA nhưng vẫn đánh lừa người tiêu dùng vì những mục đích khác nhau.
Ngược lại phiên tòa hôm 21-4, luật sư của Coca-Cola tranh luận với thẩm phán Tòa án tối cao Anthony Kennedy rằng: "Chúng tôi chắc chắn chẳng có người tiêu dùng nào "khờ khạo" như Pom khi tin rằng mọi loại thức uống lựu việt quất thì 100% là từ lựu và việt quất”. Coca-Cola dẫn chứng quy định của FDA cho phép các hãng được sử dụng hương liệu theo tỉ lệ phần trăm nhất định mà không gây hiểu nhầm.
Tuy nhiên, ông Anthony Kennedy phản bác rằng ngay cả ông khi nhìn nhãn "Lựu-việt quất" trên chai Minute Maid cũng nghĩ nước ép quả lựu.
Hôm 12-6, ông Kennedy cho biết các điều luật của chính phủ về nhãn mác thực phẩm, dược phẩm không loại trừ trường hợp công ty dựa vào điều luật khác - luật Lanham - để kiện đối thủ cạnh tranh không công bằng. Ông nói rằng luật liên bang và luật thương hiệu sẽ bổ trợ cho nhau để quy định các trường hợp nhãn mác gây hiểu lầm.
Năm 2008, Pom Wonderful đã đệ đơn kiện Coke sau khi hãng này bắt đầu phải chia thị phần cho sản phẩm thức uống "Pomegranate Blueberry Flavored Blend of 5 Juices" của Minute Maid thuộc Coca-Cola. Coke đã cố tình phóng to dòng chữ "Pomegranate Blueberry" cùng hình ảnh trái lựu nổi bật hơn hẳn những loại trái cây khác. Coke khẳng định sản phẩm của mình không phải là nguyên nhân làm giảm doanh số của Pom.
Tuy nhiên các phiên tòa phúc thẩm lại đưa ra phán quyết có lợi cho Coke khi dẫn điều luật thương hiệu không cho phép các vụ kiện cá nhân. Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống lo ngại nếu tòa cho phép Pom kiện thì điều đó sẽ tạo tiền lệ cho hàng loạt vụ kiện mới liên quan đến nhãn mác.
Luật sư của Coke tranh luận rằng nó sẽ trở thành "cơn ác mộng" dành cho các công ty thực phẩm khi phải thay đổi nhãn mác cho "vừa lòng" từng vụ kiện cáo riêng biệt như vậy. Luật sư nói thêm chính chính phủ liên bang chứ không phải các đối thủ cạnh tranh, nên tôn trọng các quy định về nhãn mác đã thống nhất.
Phản bác ý kiến trên, công ty mẹ Roll Global của Pom - thuộc sở hữu của bộ đôi tỉ phú Beverly Hills Lynda và Stewart Resnick - khẳng định rằng quyết định của tòa "sẽ là sự đảm bảo lớn hơn cho lợi ích người tiêu dùng khi mọi nhãn mác thực phẩm và đồ uống đều phải ghi chính xác".
C.LUÂN (Theo AP)
Tuổi trẻ
|