Người Mỹ nghỉ việc vì chi phí-để-được-đi-làm quá cao
Cục Thống kê lao động Mỹ cho biết số lượng người chán tìm việc (discouraged people) năm 2014 đã giảm còn 697.000 từ mức 780.000 cùng kỳ năm trước. Đây là một tin tốt cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng...
Cục Thống kê định nghĩa người chán việc là những người không nộp đơn tìm việc trong tháng vừa qua, vì họ cho rằng chuyện đi làm nay đã không phù hợp với tuổi tác, kinh nghiệm hay học vấn của họ. Tuy nhiên nhóm người chán việc chỉ chiếm dưới 50% tổng thể số lượng người không tìm việc làm - mà các nhà kinh tế gọi là “marginally attached”.
Phí chăm trẻ là khoản chi lớn nhất của một gia đình thu nhập thấp, vượt qua cả tiền nhà và chi phí y tế
|
“Marginally attached” còn bao gồm "nhóm khác" với số lượng tăng lên 728.000 từ mức 684.000 của năm 2013.
Vượt quá tầm kiểm soát
Tuần trước, giám đốc trung tâm nghiên cứu cho Cục Dự trữ bang Atlanta Dave Altig đã chỉ ra 2 đặc điểm quan trọng của “marginally attached”.
Thứ nhất, nhiều người thường nhầm lẫn “discouraged people” với phần còn lại của “marginally attached”. Thứ hai, tỉ lệ những người không đi làm trong năm qua bằng với tỉ lệ người không rục rịch tìm việc làm trong những tháng gần đây, dù họ có là “discouraged people” hay không.
Nhà phân tích Yolanda Kodryzcki tại Cục Dự trữ bang Boston - người đã nghiên cứu về “marginally attached” trong năm 2000 - cho biết "nhóm khác" bao gồm những người từ bỏ chuyện kiếm việc làm vì "vấn đề chăm sóc trẻ em và giao thông vận tải" (gọi chung là chi phí để đi làm) - đồng nghĩa với việc họ chủ động không muốn đi làm.
Những người này không chỉ cần một công việc, mà là "họ cần một công việc cho phép họ đủ khả năng chi trả cho khoản chăm sóc con cái, hoặc đủ trả tiền vé tàu điện ngầm, xe lửa hay đủ tiền đổ xăng để đi làm".
Trong khi đó, “discouraged people” ngưng tìm việc làm vì họ không đủ bằng cấp, tuổi tác không thích hợp hoặc khu vực đó quá thiếu việc làm - đồng nghĩa với việc họ muốn đi làm nhưng không được nhận.
Ông Altig đã biết đến những bằng chứng xác đáng chỉ ra rằng những chi phí để được đi làm vượt quá tầm kiểm soát chính là lý do chính khiến nhiều người nghỉ làm.
Thu nhập 74.000 USD/năm cũng chật vật với phí chăm trẻ!
New York Times công bố một khảo sát tiến hành trên nhóm cha mẹ có bằng cấp tương đối cho biết phí chăm sóc trẻ em vào ban ngày chiếm 30% thu nhập của cha/mẹ. Giáo sư Misra thuộc trường Massachusetts thống kê phí gửi trẻ ban ngày tại trường (hoặc phí vú em) cao hơn tiền học cao đẳng của một sinh viên.
Cụ thể ở New York, con số này là 25.000 - 30.000 USD/trẻ/năm và là khoản chi lớn nhất của một gia đình thu nhập thấp, vượt qua cả tiền nhà và chi phí y tế. Nhưng tiền chăm sóc trẻ em không được chính phủ hỗ trợ như tiền học cao đẳng, đại học. Vì thế, tỉ lệ thất nghiệp trên toàn quốc có thể cao là do một phần tác động từ chi phí chăm trẻ.
Số liệu thống kê năm 2009 cho thấy chỉ có 57,8% các bà mẹ có con dưới 6 tuổi đi làm toàn thời gian, trong khi con số này năm 2008 là 59,5%. Chi phí gửi trẻ đến trung tâm chăm sóc hiện nay quá cao khiến thu nhập sau thuế của nhiều gia đình chẳng còn bao nhiêu, buộc các bà mẹ phải ở nhà trông trẻ thay vì đi làm mà vẫn không đủ trả tiền cho trường học/vú em.
Thậm chí với những bà mẹ có thu nhập cao 74.000 USD/năm như cô Carla Bellamy - sở hữu bằng tiến sĩ Columbia và hiện là giáo sư ngành nhân chủng học tại trường Baruch College - cũng phải chật vật với phí chăm trẻ. Nước Mỹ chỉ có 9% phụ nữ trong lực lượng lao động có mức thu nhập trên 75.000 USD/năm.
Ông Altig cho rằng chính sách tiền tệ có thể đang tác động đến tình trạng trên. Ngân hàng trung ương hiện vẫn đang sử dụng những biện pháp cũ kỹ để áp dụng lên những nhóm dân rộng lớn. Nếu hai "discouraged people" và "nhóm khác" đều được xếp vào cùng một nhóm thì ngân hàng trung ương sẽ áp dụng cho họ cùng 1 chính sách.
Việc cải thiện phí chăm sóc trẻ em và phí giao thông công cộng phải chăng hơn sẽ là cách kéo nhiều người thất nghiệp đi làm trở lại.
|
C.Luân
tuổi trẻ
|