IMF xét lại cách thức cứu trợ sau khủng hoảng ở Eurozone
Sau cuộc khủng hoảng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét lại cách thức cứu trợ để giúp cho các chính phủ đứng bên bờ vực vỡ nợ có những lựa chọn khả dĩ hơn cho việc ổn định tình hình tài chính.
Đến nay, IMF có hai lựa chọn để hỗ trợ một quốc gia đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ: cấp tiền để giúp chính phủ nước đó đứng vững trong khi có thể điều chỉnh chính sách, hoặc yêu cầu các chủ nợ xóa một phần số nợ nếu khủng hoảng quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Eurozone đã cho thấy cách thứ nhất là quá khó thực hiện, khi đòi hỏi một quốc gia vừa phải tiếp tục trả lãi các khoản nợ vừa tiến hành những cải cách và điều chỉnh chính sách cần thiết để đảm bảo sự ổn định nợ.
Đối với cách thứ hai, IMF kết luận sẽ không chỉ khiến quốc gia được xóa nợ bị mất đi khả năng tiếp cận các thị trường vốn trong thời gian dài mà còn có thể gây tác động dây chuyền, với những thiệt hại lớn hơn đến cả hệ thống tài chính.
Đó là những gì đã thấy trong quá trình cứu trợ các nước ở Eurozone. Việc tái cơ cấu nợ của Hy Lạp đã gây tổn thất cho các trái chủ (đối tượng sở hữu trái phiếu) trên khắp Eurozone, trong đó có các ngân hàng, và gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu của các nước khác cũng đang gặp rủi ro, đẩy các nước này đến chỗ lâm vào khủng hoảng.
Nghiên cứu của IMF đề xuất một giải pháp thứ ba là nếu một quốc gia vẫn có khả năng trả nợ nhưng đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do mất khả năng tiếp cận các thị trường vốn, thiết chế này sẽ khuyến khích các trái chủ kéo dài kỳ hạn thanh toán hơn là xóa nợ để giúp chính phủ của quốc gia đó ổn định được nền tài chính, tiếp đến sẽ cung cấp các khoản vay cho chính phủ đi kèm một chương trình cải cách bắt buộc nhằm giúp khôi phục khả năng tiếp cận thị trường vốn một cách dễ dàng hơn.
Cách này cũng có thể tránh một quá trình thương lượng kéo dài cho việc tái cơ cấu nợ vốn, giúp các chủ nợ có thời gian để bán tháo trái phiếu-điều sẽ làm phức tạp cho chương trình cứu trợ.
Đó cũng là cách được cho là ít gây thiệt hại cho các chủ nợ và nước mắc nợ và do vậy, cũng như cho cả hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, việc các chính phủ có thêm thời gian để trả nợ cũng cho phép quá trình điều chỉnh diễn ra từng bước, đưa tới tăng trưởng kinh tế, giảm bớt những sai sót và tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công chương trình cải cách.
Tuy vậy, lối tiếp cận mới đó vẫn được Hội đồng điều hành của IMF đón nhận khá thận trọng và cũng mới chỉ là một đề xuất./.
Lê Minh
Vietnam+
|