Chủ Nhật, 22/06/2014 22:51

Một báo cáo gây tranh cãi

Một báo cáo được tiến hành công phu trong ba năm của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Hàn lâm khoa học xã hội, và một số cơ quan nghiên cứu khác đã gây tranh cãi khi cho rằng Việt Nam đang trợ giá nhiên liệu từ 1,2-4,49 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, và cần dỡ bỏ điều này.

Cái lý của bản báo cáo

Bản báo cáo trích dẫn số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng, các khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dao động trong khoảng 1,2-4,49 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn 2007-2012, tương ứng với tỷ lệ trợ giá trung bình là 15,5% hoặc 46,7 đô la Mỹ một người trong năm 2011.

Cần cải cách ngành năng lượng thoát khỏi tình trạng độc quyền hiện nay để phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống người dân

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công thuộc CIEM, một trong các bên thực hiện báo cáo cho biết, dù ngân sách nhà nước không rót một đồng nào cho trợ cấp, thì trợ cấp được thể hiện dưới các hình thức như kiểm soát giá, nguồn lực và kết cấu hạ tầng được chiết khấu cao hoặc thậm chí được miễn, các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng quốc doanh, bảo lãnh tiền vay hoặc cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước làm thua ăn lỗ, cũng như nhiều hình thức miễn giảm và ưu đãi thuế doanh nghiệp. Các công ty cũng hiếm khi phải tính toán các chi phí xã hội và môi trường phát sinh từ sản xuất năng lượng.

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chi phối thị trường năng lượng, do vậy khi buộc phải hạ thấp lợi nhuận hoặc thua lỗ do chính sách giá trần cũng như hoạt động không hiệu quả, họ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Chính phủ sẽ mất đi khoản doanh thu và rốt cuộc buộc phải bù lỗ.

Theo các số liệu chính thức, tổng số nợ của ba doanh nghiệp năng lượng lớn gồm PVN, EVN và TKV lên tới 315.693 tỉ đồng trong năm 2012 (tương đương với khoảng 15 tỉ đô la Mỹ), chiếm gần một phần tư tổng số nợ của tất cả các DNNN ở Việt Nam.

Các nhà sản xuất điện - chủ yếu là EVN - được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới (ví dụ giá than bán cho các nhà sản xuất điện chỉ bằng khoảng 60% giá xuất khẩu và 70% chi phí sản xuất năm 2012; trong năm 2013 giá than bán cho phát điện đã đủ bù đắp chi phí sản xuất, nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường thế giới). Điều này làm cho chi phí sản xuất điện thấp do phát điện bằng than và khí đốt chiếm tỷ trọng lớn và đang gia tăng, tổng cộng chiếm khoảng 55% sản lượng năm 2010.

Than và khí đốt do TKV và PVN sản xuất, do vậy Chính phủ và cuối cùng là người dân, phải gánh chịu các chi phí đó cũng như các chi phí cơ hội của các khoản trợ giá gián tiếp này.

Việt Nam có giá điện thấp nhất khu vực

Bản báo cáo cho rằng, giá năng lượng của Việt Nam hiện thấp so với các nước khác trong khu vực. Báo cáo ghi nhận, giá bán lẻ điện trung bình đã tăng lên đáng kể từ năm 2007. Tuy nhiên, xét theo giá cố định năm 2002, giá bán lẻ điện bình quân gần như không thay đổi trong giai đoạn 2008-2013 và thấp hơn so với giai đoạn 2002-2007.

Khi thể hiện theo giá cố định bằng đồng đô la Mỹ, giá cũng có xu hướng tương tự. Giá điện bình quân hiện nay ở Việt Nam đã tăng từ 4,6 xu Mỹ/kWh năm 2002 lên 7 xu vào năm 2013. Đây là mức rất thấp so sánh với quốc tế. Trong năm 2011-2012, giá điện bình quân ở Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia dao động từ 8-9 xu Mỹ/kWh, ở Thái Lan là trên 10 xu, Malaysia là 11 xu và Philippines trên 20 xu. Tất cả các nước nói trên trừ Philippines đều có trợ giá điện, ước tính từ 36-54%. Trong năm 2012, giá bán lẻ điện cho hộ tiêu dùng ở Trung Quốc là gần 8 xu Mỹ/kWh, ở Mỹ là gần 12, Liên hiệp châu Âu gần 20, và ở Nhật Bản khoảng 26 xu. Bà Michaela Prokop, Cố vấn chính sách về kinh tế của UNDP, nói: “Việt Nam là quốc gia có giá điện thấp nhất trong khu vực”.

Đề xuất giảm trợ giá

Báo cáo khẳng định: “Trợ giá dẫn tới nguồn thu của Nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tăng lên, và người dân sẽ phải gánh nợ”, rằng “trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo”; và kết luận rằng “người dân Việt Nam phải trả một giá rất đắt cho việc trợ giá năng lượng”.

Báo cáo cho rằng, cắt giảm trợ giá 20% đối với than, 5% với xăng dầu và 10% với điện trong giai đoạn ba năm, sẽ đem lại mức tiết kiệm tài khóa hàng năm là 0,59%, 1,25% và 1,98% GDP tương ứng trong các năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Mức tiết kiệm này, cùng với hiệu quả năng lượng cao hơn, sẽ dẫn đến gia tăng tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm của đầu tư thực tế thêm 0,48% trong ba năm và 0,72% trong tám năm so với thời điểm trước cải cách.

Ông Koos Neefjes, cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP, nói: “Việt Nam cần đặt giá năng lượng ở mức cao hơn... chỉ có biện pháp giá cả có vẻ là hiệu quả để khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng năng lượng hiệu quả hơn”.

Vấn đề gây tranh cãi

Bản báo cáo cũng đưa ra một số gợi ý về cải cách ngành điện và xăng dầu, song các gợi ý này được đánh giá là chưa cụ thể và thiếu mạnh mẽ. Vì lẽ đó, đề xuất dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch của UNDP, về nhiều phương diện, đang rất đồng điệu với chính sách kinh tế lớn của Chính phủ nhằm thị trường hóa các loại giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá nhiên liệu.

Trong bối cảnh đó, với tư cách là chuyên gia độc lập phản biện cho báo cáo này, bà Phạm Chi Lan tỏ ra lo ngại, những đề xuất của bản báo cáo này sẽ khuyến khích Chính phủ chỉ đơn thuần tăng giá nhiên liệu, hơn là cải cách cơ cấu thị trường đang bị méo mó bởi sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước như EVN, Petrolimex, PVN. Bà Lan nói tại một buổi tham vấn đầu tuần này: “Ở Việt Nam ngành năng lượng được hình thành trên cơ sở độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp, điều rất hiếm trên thế giới. Cải cách về giá cả nhất thiết phải gắn liền với cải cách ngành và cải cách DNNN trong những lĩnh vực độc quyền này”. Bà nói thêm: “Nếu tự do hóa giá cả không đi cùng cải cách DNNN, và cải cách ngành, thì tự do hóa giá cả sẽ trở thành chính sách thiên lệch phục vụ lợi ích của các DNNN đó, và ảnh hưởng đến mọi đối tượng khác trong xã hội”.

Bà khẳng định bà không đồng tình với báo cáo khi cho rằng giá năng lượng của Việt Nam thấp hơn thế giới do Chính phủ kiểm soát giá và đánh thuế môi trường thấp. “Vấn đề là ở chỗ, Việt Nam có các tài nguyên sẵn có, nhiều nhà máy thủy điện đã vận hành hết khấu hao. Điều này làm giá cả nhiên liệu ở Việt Nam rẻ hơn các nước khác”. Bà nói: “Người dân Việt Nam không thể chấp nhận giá điện như của Singapore được vì thu nhập của Singapore cao hơn đến 35 lần. Hơn nữa, giá nhiên liệu tăng, cùng với nhiều biến động vĩ mô khác đã làm hơn 200.000 doanh nghiệp đóng cửa trong vòng bốn năm qua, và khiến rất nhiều nông dân không muốn làm nông nghiệp nữa vì không sống được. Bà nói: “Báo cáo nói giá điện mấy năm qua không tăng thì đông đảo người dân Việt Nam không chấp nhận đâu. Thực tế, tôi vẫn phải trả hóa đơn nhiều hơn”. Bà cho rằng, cộng thêm yếu tố lạm phát đã tước đi của người tiêu dùng Việt Nam khoảng 70% thu nhập thực tế trong mấy năm vừa qua, thì việc tăng giá nhiên liệu sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến đa số người dân. “Vì thế, gợi ý tăng giá nhiên liệu như báo cáo sẽ giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp độc quyền, mà bất lợi cho người tiêu dùng”, bà nói.

Tư Giang

tbktsg

Các tin tức khác

>   Giá xăng dầu có thể tăng nhẹ (22/06/2014)

>   Dầu WTI chạm đỉnh 9 tháng khi nỗi lo Iraq lắng dịu (21/06/2014)

>   Dầu Brent vượt 115 USD/thùng, giá xăng lên cao nhất 11 tháng (20/06/2014)

>   Dầu WTI giảm sau tín hiệu thắt chặt tiền tệ nhanh hơn từ Fed, Brent tăng (19/06/2014)

>   Nguy hiểm rình rập tại các điểm kinh doanh xăng dầu (18/06/2014)

>   Dầu trượt dài khi lo ngại về Iraq lắng dịu (18/06/2014)

>   Xăng sinh học E5: Chưa tạo được dấu ấn? (17/06/2014)

>   Việt Nam có hơn 900 giếng dầu (17/06/2014)

>   Dầu thô đi ngang (17/06/2014)

>   Đàm phán khí đốt giữa Nga, Ukraine và EU tiếp tục rơi vào bế tắc (15/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật