Thứ Tư, 18/06/2014 18:42

Lấy nhà của dân, sao lại “xem xét bồi thường”?

Quy định khi nhà nước trưng thu, trưng mua, quản lý nhà công vụ, cho người nước ngoài mua nhà… là những nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, sáng 18/6.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, cho rằng nếu chúng ta quy định là “được nhà nước xem xét bồi thường” thì quyền của chủ sở hữu mang tính thụ động, trong khi đây là quyền rất cơ bản, phải được khẳng định trong luật.

Phát biểu về nội dung nhà nước trưng thu, trưng mua nhà ở của người dân, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, luật hiện hành quy định quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của mỗi người dân, song dự thảo luật lại quy định “người dân được nhà nước xem xét bồi thường theo quy định của pháp luật khi nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua hoặc trưng dụng”.

Đại biểu Học cho rằng, ai cũng có một ngôi nhà và ai cũng mong muốn quyền và lợi ích của mình được pháp luật bảo vệ. Ngôi nhà có một ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần, nơi gắn bó tình cảm kỷ niệm của các thành viên trong một gia đình.

Do vậy, trong trường hợp nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua, trưng dụng vào một số mục đích thì thay vì quy định “được nhà nước xem xét bồi thường” thì luật cần phải quy định người chủ sở hữu nhà ở “được quyền yêu cầu để bồi thường”.

Đại biểu Học phân tích, nếu chúng ta quy định là “được nhà nước xem xét bồi thường” thì quyền của chủ sở hữu mang tính thụ động, trong khi đây là quyền rất cơ bản, phải được khẳng định trong luật, đó là quyền được yêu cầu của chủ sở hữu khi nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua, trưng dụng.

Về nội dung nhà ở công vụ, hầu hết các đại biểu đều tán thành dự luật phải chặt chẽ hơn để tránh tình trạng trục lợi từ chính sách này.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), vừa qua, dư luận đề cập đến sai phạm trong sử dụng nhà công vụ và bày tỏ bức xúc. “Cử tri cho rằng, nhà công đang phục vụ một số ít đối tượng chứ không phải như mục đích đề ra. Nhiều cán bộ, công chức trẻ không được hưởng chính sách này, trong khi cán bộ về hưu vẫn sử dụng”, ông Vinh nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bình luận, chính sách nhà ở công vụ, bên cạnh mục đích chính là chỗ ở cho cán bộ khi luân chuyển, thì còn là giúp người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ công ích khi cán bộ, bác sỹ, giáo viên luân chuyển công tác.

Thế nhưng, chính sách này hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu đó. Luật cần có những quy định để tránh tình trạng người cũ không trả, người mới không có nhà ở.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) đề nghị nhà công vụ là cần, nhưng không nên phát triển tràn lan. Cùng với đó phải công bố rõ tiền thuế của dân bỏ vào đây là bao nhiêu, ai vi pham, không trả nhà phải xử lý nghiêm.

Liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, đột phá của Luật Nhà ở là xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhưng khi đưa luật vào thực tế thì có quá nhiều bất cập.

Đáng chú ý, trong khi chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhưng sau 8 năm thực thi nhà ở xã hội không phát triển, thị trường nhà ở lại phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu.

Chính vì vậy, khác với các đại biểu trước đó - đánh giá cao vai trò, đóng góp của Luật Nhà ở sau gần 8 năm triển khai, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: “Tôi đánh giá luật hiện hành khác với một số đại biểu là tác dụng rất hạn chế, không đóng góp vai trò to lớn gì cả”.

Bảo Anh

vneconomy

Các tin tức khác

>   Bà giám đốc làm chao đảo phố núi (18/06/2014)

>   Bất động sản nhận gần 400 triệu USD vốn đầu tư trong 5 tháng (18/06/2014)

>   Đề xuất mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở (18/06/2014)

>   Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Những quy định dang dở (18/06/2014)

>   Chủ tịch HĐQT lý giải nguyên nhân Mutual Fund Elite liên tục “gom” HAR (19/06/2014)

>   Đường đến gói 30.000 tỉ còn đủ loại khó khăn (17/06/2014)

>   Phát triển vùng TPHCM trở thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á (17/06/2014)

>   Hà Nội giữ nguyên giá dịch vụ nhà chung cư (17/06/2014)

>   Địa ốc Hoàng Quân trình phương án tăng vốn lên 2,000 tỷ đồng (16/06/2014)

>   Dự án của “ông lớn” Dầu khí PVR mắc kẹt, mịt mù tiến độ (16/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật