Bà giám đốc làm chao đảo phố núi
Học đến lớp 7, Trần Thị Quý Phượng (SN 1969, quê xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) ở nhà phụ giúp gia đình. Bất ngờ năm 2007, Phượng thành lập Công ty cổ phần xây dựng thương mại Bình An (trụ sở tại 8/34 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ đó, Giám đốc Phượng đã thực hiện nhiều hành vi gian dối để moi tiền nhà nước.
Một công trình do Công ty Bình An thi công xuống cấp trầm trọng
|
“Đại gia ứng vốn”
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty Bình An có ngành nghề chính là thi công công trình giao thông, xây dựng, điện... Mặc dù là công ty cổ phần nhưng thực chất các cổ đông khác không tham gia vào việc điều hành mà do Phượng quyết định mọi việc. Từ năm 2008 đến 2011, phía Bình An đã trúng thầu thi công 11 công trình tại tỉnh Gia Lai với tổng số hơn 112,32 tỷ đồng.
Bắt đầu từ đây Giám đốc Phượng tìm cách moi tiền nhà nước bằng thủ đoạn “xin ứng vốn”. Sau khi ký hợp đồng (HĐ) thi công với Ban quản lý (BQL) các dự án (DA) đầu tư xây dựng huyện Ia Grai ngày 6-12-2010 (giá trọn gói hơn 20,3 tỷ đồng), Phượng tìm cách gặp riêng lãnh đạo BQL các DA xin ứng vốn. Hai ngày sau, BQL đã ứng trước cho phía Bình An 2,5 tỷ đồng và chỉ vài tháng sau tiếp tục ứng thêm 3 lần nữa với tổng số 10 tỷ đồng. Nhưng ẵm được tiền, công ty này chỉ thi công cầm chừng để đối phó và đến ngày 7-7-2011 thì dừng hẳn.
Tương tự, tại huyện Kông Chro, sau khi trúng thầu, ngày 14-10-2010, BQL các DA đầu tư xây dựng huyện này cho phía Bình An tạm ứng một lần lên đến 14,6 tỷ đồng để thi công đường Đăk Pling. Nhận tiền xong, công ty cũng thi công nhỏ giọt. Khi công an vào cuộc, phát hiện Giám đốc Phượng đã sử dụng 3,5 tỷ vào việc riêng và chiếm thêm gần 2 tỷ nữa.
Để hợp thức hóa số tiền tạm ứng này, Phượng chi một ít mua vật tư, xây dựng công trình rồi mua hóa đơn hợp thức các khoản chi với thủ đoạn nhằm tăng chi phí đầu vào, khai thấp doanh số đầu ra thể hiện Công ty Bình An “âm” thuế liên tục suốt 3 tháng để làm thủ tục đề nghị Chi cục thuế thành phố Pleiku cho hoàn thuế hơn 1,65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phượng còn sử dụng 10 hóa đơn giá trị gia tăng khống, kê khai để khấu trừ thuế nhằm làm giảm số thuế công ty phải nộp, gây thất thoát ngân sách nhà nước, trốn thuế hơn 140 triệu đồng.
Nữ giám đốc đã nhanh chóng phất lên, trở thành “đại gia phố núi” từ đó. Theo cơ quan điều tra, Phượng sở hữu 6 căn nhà, 2 thửa đất, 19 xe chuyên dụng, 7 xe tải ben, 3 ô tô con (trong đó có 5 xe chuyên dụng, 1 ô tô con và 2 xe tải ben mua từ nguồn tiền của công trình Đăk Pling, Ia Chía - Ia O).
Hối lộ để được ưu ái?
Từ ngày 20-5 đến 27-5-2014, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án liên quan đến “đại gia phố núi” ra xét xử. Một số người bị Giám đốc Phượng tố cáo nhận tiền “lại quả” vắng mặt. Quá trình thẩm vấn tại tòa cho thấy nhiều tình tiết chưa được làm rõ, có dấu hiệu sót người lọt tội nên Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều khiến dư luận địa phương bức xúc là vì sao một doanh nghiệp nhỏ như Bình An lại được “ưu ái” trúng thầu thi công 11 công trình tại tỉnh Gia Lai và được các BQL tích cực tạm ứng vốn ào ào như thế?
Lý giải điều này, một cán bộ BQL các DA đầu tư xây dựng huyện Ia Grai trình bày trước tòa rằng lý do chọn nhà thầu Bình An là dựa vào báo cáo đánh giá năng lực của các tổ chức hoạt động tư vấn - thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Sở Kế hoạch - Đầu tư ban hành. Theo đó, công ty này được xếp hạng nhì về năng lực thi công nên luôn được “ưu ái”. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Phượng còn khai thêm một lý do khác, đó là vì bị cáo biết “chung chi” cho những người đã “nhiệt tình giúp đỡ” mình.
Theo cáo trạng, “ngoài việc tặng ô tô cho ông Trần Thế Vinh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Gia Lai (lúc đó), Phượng còn nhiều lần đưa tiền khi ông này đi công tác. Cáo trạng còn đề cập đến việc Phượng khai đã chi “bồi dưỡng” cho các ông: Nguyễn Bổng (nguyên Trưởng BQL huyện Ia Grai), Đặng Thanh Nguyên (nguyên Trưởng BQL huyện Chư Pảh), Tần Văn Anh (Trưởng BQL huyện Đăk Pơ), Phan Văn Chinh (Trưởng BQL huyện Kông Chro), Trương Dần (nguyên Trưởng BQL huyện Ia Pa), Lê Ngọc Hiệp (Trưởng BQL TP. Pleiku), Võ Quốc Trung (Trưởng BQL huyện Phú Thiện)... với số tiền từ 7% -10% trên tổng số Phượng nhận thực hiện công trình. Tuy nhiên, các cá nhân này không thừa nhận. Mặc dù vậy, cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ vì sao các BQL dự án cứ ứng tiền ào ạt cho Phượng?
Tại tòa, HĐXX yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai làm rõ những lời khai của Phượng. Trong vụ án này, việc cơ quan tố tụng chưa xem xét, xử lý bà Huỳnh Thị Kim Anh (chủ Doanh nghiệp tư nhân Phú Hưng) cũng là thiếu sót nghiêm trọng vì chính bà chủ doanh nghiệp này đã “cung cấp” 60 hóa đơn xăng dầu với trị giá hơn 8,6 tỷ đồng, giúp Phượng kê khai, hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền nhà nước và 10 hóa đơn kê khai khấu trừ để Công ty Bình An trốn thuế hơn 140 triệu đồng...
An Nhơn
công an tphcm
|