Kinh tế khu vực Eurozone sau bước đi quyết đoán của ECB
Đã từ rất lâu, các nhà hoạch định chính sách và thị trường chờ đợi một hành động thiết thực và có đủ uy lực từ phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để chặn đứng nỗi “ám ảnh” giảm phát cũng như thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Bởi đơn giản, việc trì hoãn hành động hay sự dè dặt trong các bước đi kiên quyết sẽ khiến cho các nước thành viên không thể thoát ra khỏi cái bóng của khủng hoảng nợ cũng như cản trở đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.
Thôi thúc buộc ECB phải hành động
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Bloomberg)
|
Tuy Eurozone vẫn duy trì được sự tăng trưởng nhẹ (0,2%) trong quý đầu năm và đạt mức tăng sản lượng công nghiệp 0,8% trong tháng Tư (sau mức giảm 0,4% trong tháng Ba), song đà phục hồi nhìn chung vẫn yếu và nhất là chưa đủ để hạ tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục (hiện ở mức 11,7%) cũng như chặn đà đi xuống của lạm phát.
EU kỳ vọng nhịp độ tăng trưởng 1,2% và 1,7% trong năm 2014 và 2015 sẽ là đòn bẩy hữu hiệu đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone từ 12% năm 2013 xuống 11,8 và 11,4% trong năm 2014 và 2015.
Trong báo cáo mới nhất, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của khu vực xuống 1%, dù nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 lên 1,7%.
Đồng euro mạnh vào thời điểm lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế yếu là mối quan ngại không nhỏ, bởi nó làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu cũng như “ăn vào” lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Ủy viên EU phụ trách việc làm, Laszlo Andor, vừa ra lời chỉ trích mạnh mẽ rằng hệ thống tiền tệ chung châu Âu được thiết kế “không hoàn chỉnh” và các bất ổn kinh tế vĩ mô cũng bắt nguồn chủ yếu từ sự thiếu hoàn chỉnh này. Điều đó gây tác động bất lợi đến các nỗ lực đối phó với khủng hoảng nợ.
Mặc dù các quan chức Eurozone nhiều lần bác bỏ nguy cơ giảm phát đe dọa khu vực này, song số liệu vừa công bố đầu tuần này một lần nữa khẳng định lạm phát tại đây tiếp tục giảm.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), cước phí viễn thông và giá lương thực là những nhân tố khiến cho giá tiêu dùng tại 18 nước thành viên trong tháng Năm chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu xét theo tháng, giá tiêu dùng trong tháng Năm đã giảm 0,1% so với tháng trước đó. Có thể coi đây là một bằng chứng nữa cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại Eurozone vẫn “trong vùng nguy hiểm” cũng như là sự khẳng định rằng chiều hướng giá cả đi xuống đang đè nặng lên các nước đang mang trên vai gánh nợ lớn, đồng thời lý giải cho hành động chưa từng có của ECB trong thời gian gần đây.
Thực tế, hiện đã có ba nước trong khu vực "nếm trải" giảm phát là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Cyprus.
Trong tháng Năm, giá tiêu dùng tại Hy Lạp giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước (tiếp đà giảm 1,6% trong tháng Tư), tại Bồ Đào Nha giảm 0,3% và tại Cyprus giảm 0,1%.
Xét mức trung bình trong 12 tháng, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Eurozone trong tháng Năm đứng ở mức 0,9%. Trong số các nước thành viên khu vực đồng tiền chung này chỉ có Luxembourg, Áo, Slovenia và Phần Lan duy trì được tỷ lệ lạm phát hàng năm từ 1% trở lên, dù vẫn cách rất xa mục tiêu lạm phát dưới 2% GDP của ECB.
ECB mới đây hạ dự báo lạm phát tại Eurozone xuống 0,7% năm 2014, 1,1% năm 2015 và 1,4% năm 2016.
Lo ngại rằng với đà phục hồi còn mong manh, chỉ cần một “mồi lửa” là các cú sốc bất ngờ như bất ổn địa-chính trị hay các nền kinh tế đầu tàu tăng trưởng chậm lại cũng có thể đẩy Eurozone lâm vào tình trạng giảm phát, ECB đã quyết hành động trong cuộc họp chính sách ngày 5/6 vừa qua.
Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu ngay được các biện pháp được cho là ngoại lệ và để đối phó với các vấn đề cấp bách về kinh tế của ECB. Theo giới phân tích, lần này tuy không đối mặt với khủng hoảng mạnh mẽ, nhưng Eurozone đứng trước một điều gì đó “âm ỉ” và nguy hiểm hơn.
Để ngăn chặn nguy cơ giảm phát và thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp, ECB đã hạ lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục và lần đầu tiên giảm lãi suất tiền gửi - lãi suất trả cho các ngân hàng thương mại gửi tiền tại ngân hàng trung ương này, từ 0% xuống -0,1%.
Các lựa chọn được đưa lên bàn thảo luận tại cuộc họp chính sách tháng Sáu là lãi suất, tái cấp vốn dài hạn (LTRO), kéo dài chương trình cho vay với lãi suất cố định và ngừng việc bơm tiền mua trái phiếu nhà nước trong khuôn khổ Chương trình các thị trường chứng khoán (SMP).
Tác động có như kỳ vọng?
Sau khi ECB tung ra các biện pháp chưa có tiền lệ được thế giới tung hô là quyết đoán và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập tức hoan nghênh là có “lập trường tích cực,” câu hỏi được đặt ra ngay sau đó là các biện pháp này sẽ có tác động như thế nào đối với kinh tế khu vực cũng như hiệu quả ra sao trong việc ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Giới phân tích tỏ ra hoan hỉ nhưng vẫn thận trọng khi lưu ý rằng trạng thái hân hoan ban đầu này có thể mau chóng bốc hơi. Bởi dù đưa ra các biện pháp này, ECB cũng không thể đảm bảo tạo cú hích cho kinh tế khu vực cũng như khởi động hoạt động cho vay đối với khu vực tư nhân.
Nhà kinh tế Chris Williamson thuộc Markit vẫn lạc quan rằng mặc dù cần thời gian để đánh giá hiệu quả trong dài hạn của những biện pháp trên, song điều quan trọng là sự quyết đoán của ECB sẽ làm tăng lòng tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hơn nữa, với lời hứa từ ECB, các ngân hàng sẽ được hưởng khoản vay dài hạn với lãi suất thấp và cố định cho đến hết năm 2018. Việc lãi suất tiền gửi xuống mức âm cộng thêm việc các ngân hàng thương mại sẽ phải trả phí gửi tiền tại Ngân hàng trung ương sẽ giúp các ngân hàng có nguồn tiền dồi dào lên tới 400 tỷ euro (550 tỷ USD) để cho các doanh nghiệp vay.
Theo giới phân tích, dù mang lại một số động lực tăng trưởng tích cực cho kinh tế khu vực, nhưng hạ lãi suất có vẻ không hứa hẹn mang lại ảnh hưởng lớn so với chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Việc ECB xúc tiến việc mua chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản là bước tiến lớn, giúp bơm lượng tiền đáng kể vào nền kinh tế, dù chương trình này chưa thể sánh với chương trình mua trái phiếu quy mô lớn mà các ngân hàng trung ương Mỹ, Anh, Nhật Bản đang thực hiện.
“Chiêu” nào tiếp theo cho ECB?
Sau khi đà đi xuống của lạm phạt trong Eurozone được khẳng định một lần nữa với các số liệu được công bố đầu tuần này, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, nói rằng ông sẵn sàng hành động. Điều này khiến các nhà đầu tư một lần nữa lại đoán già đoán non xem khi nào người đứng đầu ngân hàng chung của khối có thể bắt đầu mua tài sản như trái phiếu chẳng hạn, tức là QE.
Chủ tịch Draghi cũng thừa nhận lãi suất không thể xuống thấp hơn nữa. Tuy nhiên, bên cạnh biện pháp lãi suất, ông đã tiết lộ một loạt biện pháp để thúc đẩy tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng vốn giảm sút trong nhiều tháng qua.
Ông Draghi cũng cam kết: "Chúng tôi sẽ hành động nhanh chóng với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ."
Ông Draghi cho hay ECB rục rịch khởi động chương trình mua trái phiếu “kiểu Mỹ” thông qua việc mua các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản.
ECB cũng đã quyết định ngừng việc bơm tiền mua trái phiếu nhà nước của các nước có vấn đề về nợ trong khuôn khổ SMP mà ECB thực hiện vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng nợ.
Ông Draghi tin tưởng việc thực hiện tổng hòa các biện pháp này sẽ hỗ trợ chính sách kích thích tiền tệ và hỗ trợ hoạt động cho vay đối với nền kinh tế thực.
Đơn giản hóa quy định ngân sách và giảm nợ
Ổn định nợ trở thành một trong những vấn đề hóc búa nhất đối với chính phủ các nước Eurozone, bởi bốn năm khủng hoảng tài chính đã đẩy tỷ lệ nợ trên GDP tại khu vực này tăng 30 điểm phần trăm lên trên mức 90%.
Tình hình này có chiều hướng xấu đi, khi việc dự báo nhịp độ tăng trưởng danh nghĩa dài hạn tại nhiều nước Eurozone bị điều chỉnh xuống khoảng 3%, cho thấy nợ công có thể sẽ tăng gần lên ngưỡng 100% GDP. Bởi mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP và và nợ công 60% GDP của ECB hiện nay dựa trên mức tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 5%.
Trong tình hình này, IMF liên tục khuyến nghị các nước EU phải đưa thâm hụt ngân sách danh nghĩa xuống dưới ngưỡng 3% GDP.
Để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, IMF khuyến nghị đơn giản hóa các quy định tài chính, đồng thời tập trung vào vấn đề giảm nợ công. Bởi đơn giản, giải quyết vấn đề nợ sẽ giúp chính phủ các nước EU linh hoạt hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng lòng tin của các thị trường.
EU cũng nhận thức được điều này, Olli Rehn, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, nhấn mạnh EU đang trong điều kiện thuận lợi để đơn giản hóa và sắp xếp lại các nguyên tắc tài chính.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso mới đây bày tỏ sự tin tưởng việc xây dựng nền tài chính công bền vững và duy trì các cải cách cơ cấu sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, tác động cụ thể cần phải chờ hành động tiếp theo của EU nói chung và ECB nói riêng./.
Như Mai
vietnam+
|