Thứ Hai, 02/06/2014 08:48

Không cần e ngại “nhà đầu tư nước ngoài”

Tại dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” và “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” là những khái niệm gây nhiều tranh cãi nhất. Khái niệm này cũng từng được đề cập tại Luật Đất đai, Luật Chứng khoán.

Câu hỏi đặt ra là khái niệm này có nhất thiết phải khó hiểu như vậy không, hay thực chất chỉ thể hiện tâm lý sợ bị nước ngoài thôn tính, hoặc muốn bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Cả hai lý do nghe chừng có lý đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi, song thực tế lại không cần thiết.

Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn?

Theo dự thảo thứ 10 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước có tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trên 49%, song ở một điều khoản khác thì lại quy định “nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện đầu tư tại Việt Nam”(1).

Bên cạnh đó, nhiều luật chuyên ngành, thí dụ luật dược quy định phân phối dược là lĩnh vực chưa cam kết, vì vậy, có địa phương cho rằng chỉ cần có 1% vốn đầu tư nước ngoài thì cũng coi như là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bị từ chối mở rộng hoạt động hay chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có số vốn nước ngoài nắm trên 50% (dù không rõ là nắm trực tiếp hay gián tiếp thông qua một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Theo Quyết định 121 về nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tổ chức nước ngoài phải là tổ chức nắm đến 100% vốn nước ngoài... Tại một số hội thảo góp ý cho Luật Doanh nghiệp, có quan điểm cho rằng tỷ lệ góp vốn có thể giảm xuống 10% để coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Có một sự phân biệt đối xử

Chuyện gì xảy ra nếu một doanh nghiệp trong nước trở thành “nhà đầu tư nước ngoài”?

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đó sẽ phải xin giấy chứng nhận đầu tư. Điều này đồng nghĩa với hàng loạt giải trình, chi phí và thời gian tăng đáng kể.

Thứ hai, nhiều ngành nghề “nhạy cảm” do chưa có quy định thực hiện (ví dụ nhập khẩu dược phẩm), hay quy định không rõ ràng (ví dụ quy định ENT đối với bán lẻ), hay bị hạn chế (kinh doanh nhà hàng, một số ngành nghề kinh doanh bất động sản...), hoặc chưa cam kết (ví dụ phân phối thuốc) có thể bị loại khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Tóm lại, nhà đầu tư nước ngoài không được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Vì sao vậy? Có hai quan điểm thường được nêu ra để trả lời.

Lo sợ thua trên sân nhà

Một số ý kiến lo ngại doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Không ít người cho rằng do bị doanh nghiệp FDI tranh thị phần nên các doanh nghiệp trong nước đang “thua trên sân nhà”, thậm chí, nếu có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh - kinh tế.

Tuy nhiên, bản thân thị trường sẽ chọn lọc nhà đầu tư. Đối với doanh nghiệp trong nước, để hỗ trợ họ, Nhà nước có thể ưu đãi hơn về thuế chứ đừng hạn chế lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp FDI. Đơn cử trong lĩnh vực dược hay bán lẻ, sự tham gia của doanh nghiệp FDI sẽ làm giá bán sản phẩm giảm (do cạnh tranh), người tiêu dùng được lợi. Doanh nghiệp trong nước nếu không thể cạnh tranh trực diện thì cạnh tranh ở phân khúc khác, hoặc hợp tác liên doanh với doanh nghiệp FDI (nếu không phải vì thế mà họ trở thành nhà đầu tư nước ngoài).

Về lâu dài, các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thâu tóm hoặc đóng cửa, các doanh nghiệp lớn sẽ ngày càng phát triển (cho dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài). Xu hướng này có ở tất cả các nước, không thể cản được, Nhà nước không nên cố gắng can thiệp vào quá trình này.

Lối thoát duy nhất cho doanh nghiệp trong nước là lớn mạnh lên, thông qua nội lực và chính sách đầu tư của Nhà nước chứ không phải đóng cửa không cho doanh nghiệp FDI cạnh tranh. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong nước làm ăn hiệu quả vẫn không ngừng lớn mạnh, thậm chí có thể mua luôn công ty nước ngoài như Vinamilk, Saigon Co.op, PetroVietnam... Vậy tại sao phải lo ngại cho doanh nghiệp trong nước?

Cần nói thêm có quan điểm cho rằng doanh nghiệp FDI chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu mà chỉ đóng 14% ngân sách từ thuế là quá thấp. Thật ra con số này không hề nhỏ. Tại Mỹ, đóng góp từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ chiếm 10-15% tổng ngân sách, nguồn thu chủ yếu là thuế thu nhập cá nhân.

Hơn nữa, giải pháp cho việc thất thu thuế không phải ở việc hạn chế hoạt động của doanh nghiệp FDI, mà tăng cường biện pháp chống chuyển giá, bao gồm cả việc ấn định nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp FDI (advance ruling). Hãy tưởng tượng nếu không có các doanh nghiệp FDI mà chúng ta đang cho là “chuyển giá”, thì Nhà nước có thu được thêm đồng thuế nào không? Trong khi cộng đồng này đang giúp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp mà đằng sau đó là cuộc sống của hàng triệu gia đình.

Ưu tiên mục tiêu việc làm

Cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước nên thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chỉ cho phép nhà đầu tư vào Việt Nam đối với các dự án sản xuất có sức lan tỏa, cần nhiều vốn và công nghệ, chứ không phải ai cũng được vào đầu tư, như tinh thần của Nghị quyết 03/NQ-CP.

Tuy nhiên, quan điểm này đã bỏ qua một giả thiết quan trọng của lý thuyết trò chơi, đó là mọi người chơi đều thông minh (hay kém thông minh) như nhau. Nhà nước không thể giả thiết nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào Việt Nam để phục vụ nhân dân Việt Nam. Họ đến vì lợi nhuận.

Nếu hạn chế họ thâm nhập thị trường, khả năng tìm kiếm lợi nhuận của họ thì họ sẽ không mở rộng sản xuất, không tăng thêm vốn và không chuyển giao công nghệ. Sự thất bại của công nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam là kết quả của việc suy nghĩ quá đơn giản về thu hút đầu tư, đánh giá thấp nhà đầu tư nước ngoài.

Ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào thì vốn đó cũng là của họ, khi rời khỏi thì họ có quyền thu hồi, mang đi. Công nghệ họ mang vào dù có hiện đại thì 20 năm nữa cũng lỗi thời. Trường hợp nhà máy sản xuất bóng đèn hình Daewoo Hanel bán lại cho Việt Nam là một thí dụ. Vậy nên chăng cần xem lại mục tiêu thu hút (hay cản trở) nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu hàng đầu phải là tạo công ăn việc làm. Có công ăn việc làm mới làm tăng GDP, mới phát triển thị trường nội địa, mới tạo thêm cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lúc đó, việc mang vốn, công nghệ vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài là kết quả của kinh doanh thành công chứ không phải là mục tiêu ban đầu khi sang Việt Nam. Nếu Việt Nam thực sự muốn thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa thì có thể tăng thêm ưu đãi cho những nhà đầu tư tăng vốn hay chuyển giao công nghệ, song phải theo nguyên tắc có đi có lại. Ví dụ đầu tư thêm 100 triệu đô la Mỹ thì được miễn thuế thêm một năm. Không nên quy định mọi dự án lớn nhỏ miễn có “công nghệ cao” đều được ưu đãi như nhau.

Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nếu thành công thì họ đóng thuế, nếu thất bại thì họ sẽ bán rẻ dự án để rút về nước. Khi đó doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội mua lại cơ sở sản xuất với giá rẻ. Việc Vinamilk mua lại F&N Diary, hay Kinh Đô mua lại Walls, hay Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria là các thí dụ điển hình. Bằng cách nào thì Việt Nam cũng có lợi. Hiển nhiên, việc hạn chế đầu tư nước ngoài vào các vùng biên giới, các địa điểm hiểm yếu đối với an ninh quốc gia, các lĩnh vực tác động lớn đến an ninh quốc phòng là cần thiết.

Nói tóm lại, không có nhiều lý do để hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước. Nhà nước phải coi việc tạo công ăn việc làm cho người dân là mục tiêu trên hết, chứ không phải nhu cầu thu hút vốn hay chuyển giao công nghệ. Kết hợp quá nhiều mục tiêu cũng giống như bắt cá hai ba tay, có thể sẽ không bắt được con nào. Vì vậy, cách giải thích “nhà đầu tư nước ngoài” nên là cách giải thích hiện nay theo dự thảo Luật Doanh nghiệp cho thống nhất, tức là doanh nghiệp mà ở đó phía nước ngoài nắm (trực tiếp hay gián tiếp) trên 50% vốn điều lệ, có quyền bầu đa số thành viên hội đồng quản trị.

Lê Nết

tbktsg

Các tin tức khác

>   DN vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh (30/05/2014)

>   Dự thảo Luật DN sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường (27/05/2014)

>   Tranh cãi chung quanh tiêu chí phá sản (27/05/2014)

>   Bảo vệ cổ đông nhỏ vẫn lỏng lẻo (23/05/2014)

>   Kiểm soát thu nhập bất hợp lý trong doanh nghiệp (15/05/2014)

>   Điều lệ công ty to hơn Luật? (15/05/2014)

>   UBCKNN: Hướng dẫn giao dịch NĐTNN trên tài khoản môi giới tổng (23/04/2014)

>   Nhà đầu tư ngoại sắp được mua bán cổ phiếu trên 1 tài khoản (08/04/2014)

>   CTCK mắc cạn vì quy định mới (07/04/2014)

>   CTCP Thủy điện Miền Trung được chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu (07/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật