IMF hối thúc Myanmar cải cách để duy trì được đà tăng trưởng
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Myanmar tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, IMF cảnh báo động lực tăng trưởng của Myanmar vẫn sẽ đối mặt với rủi ro nếu chính quyền Nay Pyi Taw không áp dụng các biện pháp cải cách triệt để hơn.
Nhận định trên được đưa ra ngày 17/6 sau chuyến khảo sát tình hình thực tế của một phái đoàn IMF đến Myanmar.
Trưởng phái đoàn IMF Matt Davies nhận định Myanmar đang ở thời điểm thuận lợi để thực thi các biện pháp cải cách kinh tế nhằm kéo dài giai đoạn tăng trưởng nhanh của đất nước. Tốc độ tăng trưởng của Myanmar sẽ đạt 8,5% trong năm tài chính hiện nay, tăng nhẹ so với mức 8,25% của năm tài chính trước đó.
Tuy nhiên, IMF vẫn cảnh báo các rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế Myanmar, quốc gia bị đánh giá rơi vào tình trạng kém phát triển sau hàng thập kỷ quản lý kinh tế kém hiệu quả và bị các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt.
IMF cho rằng các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của Myanmar sẽ bị kéo căng khi các ngân hàng nước ngoài đổ nguồn vốn lớn vào hệ thống tài chính đang phát triển với tốc độ chóng mặt của quốc gia Đông Nam Á này. Lạm phát, hiện vẫn trong tầm kiểm soát ở mức 6,5%, được dự đoán có thể tăng lên mức hai con số khi các nguồn tín dụng và tiền mặt đổ xô vào quốc gia này. IMF xác nhận khu vực tài chính Myanmar đang có cải thiện, tuy nhiên vẫn cần phải cải cách hệ thống hoạch định chính sách và giám sát.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện tại Myamar vẫn giữ được bội chi ngân sách 2014/2015 trong chỉ tiêu 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song IMF cho rằng điều này có được chủ yếu là nhờ vào doanh thu ấn tượng chỉ có được một lần từ việc cấp phép hoạt động cho các đại gia viễn thông.
Theo thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này, để duy trì bội chi ngân sách dưới mức quy định tối đa trong khi vẫn phải tăng chi tiêu dành cho phát triển, Myanmar cần tăng nguồn thu từ thuế. Điều này đòi hỏi phải có cải cách về chính sách nhằm tạo ra một hệ thống quản lý thuế hoạt động có hiệu quả.
Trước đó, Tổng thống U Thein Sein đã kêu gọi đẩy mạnh cải cách đất nước giai đoạn ba, nhằm tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền dân chủ mới, đồng thời nâng cao mức sống của người dân. Ông hối thúc cải cách hệ thống thuế quan, nới lỏng các quy định thương mại và đầu tư, triển khai hệ thống chính phủ điện tử và các dự án giảm nghèo và phát triển nông thôn.
Trong giai đoạn đầu tiên của lộ trình cải cách, Chính phủ Myanmar thực hiện hệ thống chính trị gồm nhiều đảng và chuyển tiếp từ chế độ cũ sang chế độ mới, trong khi giai đoạn hai tập trung vào các chiến lược cải cách hành pháp, kinh tế, chính trị và xã hội./.
vietnam+
|