Thứ Tư, 23/04/2014 16:36

Kinh tế Myanmar khởi sắc

Kinh tế Myanmar dự đoán tăng 4 lần vào năm 2030; nhưng cuộc cải cách chính trị thời gian gần đây đang chậm lại.

Những chỉ số kinh tế Myanmar cho thấy một bức tranh tăng trưởng khả quan. Theo dự tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của nền kinh tế Myanmar trong năm 2013-2014 đạt 7,5%. Kỳ vọng sẽ tăng lên mức 7,8% trong năm tài chính 2014-2015. Nhưng theo Bộ Phát triển kinh tế và Kế hoạch quốc gia Myanmar, tài khóa 2014-2015, GDP có thể tăng trưởng 8%.

Coca Cola tại Myanmar: Nhiều hãng nước ngoài đã thâm nhập thị trường Myanmar có 60 triệu dân

Đầu tư tăng nhanh

Luật Đầu tư nước ngoài ban hành vào tháng 11/2012 đã góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc cải cách chính trị và mở cửa của của nước này cũng tạo bầu không khí tin tưởng cho các nhà đầu tư. Myanmar dự định tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực trong 7 lĩnh vực trọng điểm, gồm công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ, du lịch, tài chính và truyền thông.

Myanmar từng là một trong những nền kinh tế mạnh nhất khu vực trong những năm 1950, song đã tụt hậu kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962, trở thành nước nghèo nhất ở Đông Nam Á sau hàng thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự chịu nhiều biện pháp cấm vận và trừng phạt của các nước Phương Tây. Nhờ cải cách chính trị, kinh tế và phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm cả dầu khí lẫn đá quý, kinh tế Myanmar có thể tăng gấp 4 lần quy mô nền kinh tế của mình vào năm 2030.

Truyền thông địa phương Myanmar dẫn số liệu báo cáo ngày 18/4 của Cục Đầu tư và Quản lý Doanh nghiệp cho biết, trong năm tài chính 2012-2013, FDI đăng ký vào Myanmar tăng từ 1,4 tỷ USD lên hơn 4,1 tỷ USD, đã tạo ra 50.751 việc làm cho người dân địa phương. Đã có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư FDI vào các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, dầu khí, khai thác khoáng sản, khách sạn và du lịch, bất động sản, gia súc, nông nghiệp và thủy sản tại Myanmar.

Hồi tháng 4/2013, hãng xe hơi Mỹ Ford Motor đã thông báo quyết định mở chi nhánh bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Myanmar vào tháng 8 tới. PepsiCo, Coca-Cola, E, Caterpillar và hãng bia Đan Mạch Carlsberg đã quyết định mở chi nhánh bán hàng tại nước này. Công ty Semen Indonesia đang đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ximăng vào năm tới. Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã hoàn tất 6 bể chứa dầu trên một hòn đảo ngoài khơi phía tây Myanmar, và sẽ xây dựng hai đường ống dẫn dầu từ đây tới Trung Quốc.

Ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc giảm

Bằng việc tiếp nhận nhiều nguồn đầu tư từ cộng đồng quốc tế, Myanmar đang dần thoát khỏi việc lệ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc. Năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Myanmar chỉ bằng chưa đến 10% so với năm 2012. Các nhà đầu tư Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á đang đổ xô vào đất nước này tạo sự cân bằng kinh tế cho Myanmar.

Châu Á đứng đầu danh sách các nhà đầu tư vào Myanmar trong giai đoạn 4-12/2013. Dẫn đầu danh sách này là Hàn Quốc, chiếm 29% tổng vốn FDI, tiếp sau là Singapore (27,6%), Thái Lan (19,2%), Việt Nam (6,6%) và Nhật Bản (1,7%). Đáng chú ý là kim ngạch đầu tư của Hàn Quốc tăng 17 lần so với năm 2012 và của Singapore tăng khoảng 3 lần.

Ở chiều ngược lại, FDI từ Trung Quốc giảm đột biến. Trung Quốc chỉ chiếm 0,8% tổng FDI vào Myanmar năm 2013, với 18 triệu USD. Tài khóa 2012, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 400 triệu USD vào Myanmar, tài khóa 2010 là 8,2 tỷ USD. Từ đầu năm 2014 đến nay, không có thêm dự án đầu tư mới của người Trung Quốc.

Trong những năm 2000, Trung Quốc đã tiếp cận mạnh mẽ nước láng giềng phía nam này. Hàng loạt các dự án đầu tư khổng lồ đã được thực hiện như xây dựng nhà máy thủy điện, khai thác khí đốt. Trung Quốc vẫn chiếm tới trên 90% tổng vốn FDI vào Myanmar tài khoá 2011. Mọi việc thay đổi sau khi quá trình dân chủ hóa ở Myanmar được khởi động năm 2011. Chính quyền Thein Sein cải thiện quan hệ với các nước châu Âu, Mỹ và dần giữ khoảng cách với Trung Quốc. Biểu tượng của quá trình này là việc chính quyền Myanmar cuối năm 2011 quyết định đóng băng dự án thủy điện của Tập đoàn điện lực Trung Quốc với lý do ảnh hưởng đến môi trường.

Cùng với việc người dân Myanmar bất bình với tình trạng Trung Quốc chi phối nguồn tài nguyên đất nước, việc giành được thiện cảm của phương Tây cũng giúp chính quyền dân sự tự tin để dần chuyển sang chính sách ngoại giao cân bằng với Bắc Kinh. Mới đây nhất, chính quyền Myanmar đã từ chối đề nghị của Bắc Kinh về việc cho Myanmar vay tiền nâng cấp tuyến đường quốc tế nối với Trung Quốc.

Richard Dobbs, Giám đốc MGI, nhận xét: Myanmar đã bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng trong thế kỷ 20 như nhiều nước láng giềng đang phát triển khác ở Châu Á. Song bây giờ cơ hội đang tới để nước này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực.

Tuy nhiên, triển vọng phát triển kinh tế có thể bị ảnh hưởng nếu quá trình cải cách chính trị và hòa giải dân tộc không được thúc đẩy. Việc thay đổi hiến pháp vẫn là cuộc tranh luận lớn nhất hiện nay. Có những dấu hiệu cho thấy các thế lực quân sự vẫn tìm cách cản trở thay đổi hiến pháp, tạo điều kiện cho bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống. Ủy ban Hỗn hợp xem xét sửa đổi hiến pháp, do phái quân sự có ảnh hưởng lớn, gần đây cho biết 109 thành biên Ủy ban đưa ra 28.000 đề nghị sửa đổi hiến pháp. Đã xuất hiện một bản kiến nghị với 10 vạn chữ ký bày tỏ nguyện vọng không thay đổi Hiến pháp hiện hành. Công cuộc cải cách chính trị thời gian gần đây đang chậm lại.

Hoài Nam

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Năm 2014: Campuchia sẽ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á (07/04/2014)

>   Campuchia thông qua nghị định thư về đầu tư với Việt Nam (04/04/2014)

>   Ông Nguyễn Trần Bạt: Lào, Campuchia đã vượt Việt Nam rồi (02/04/2014)

>   Việt Nam-Lào thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển (14/03/2014)

>   Myanmar thu hút 3,6 tỷ USD vốn FDI tài khóa 2013-14 (03/03/2014)

>   Campuchia công bố Chiến lược Hội nhập Thương mại (19/02/2014)

>   Lào “mở cửa” cho cá độ bóng đá (12/02/2014)

>   Tổng thống Đức tuyên bố xóa nợ 500 triệu euro cho Myanmar (10/02/2014)

>   Myanmar hút hàng không châu Á (09/02/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế của Campuchia đạt 7% trong 2013 (23/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật