Hướng dẫn Thông tư 70 về thủ tục hải quan đối với khí và khí dầu mỏ hóa lỏng
Ngày 26-6, tại TP.HCM, Tổng cục Hải quan phối hợp với Công ty Kinh doanh sản phẩm khí tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư 70/2014/TT-BTC ngày 28-5-2014 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đối với khí và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Tham dự hội nghị có Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan Nguyễn Đức Nga, đại diện các Cc̣c hải quan địa phương, lãnh đạo Công ty Kinh doanh sản phẩm khí, các doanh nghiệp kinh doanh khí và khí dầu mỏ hóa lỏng trong cả nước.
Trình bày tại hội nghị, ông Ngô Minh Tuấn,Trưởng Phòng Giám quản phương tiện xuất nhập cảnh và hàng hóa khác- Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Thông tư 70 được áp dụng là cơ sở pháp lý cho cơ quan Hải quan, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với khí và khí dầu mỏ hóa lỏng xuất nhập khẩu (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường ống chuyên dụng hoặc khai thác xuất khẩu trực tiếp từ giếng ngoài khơi thuộc quyền tài phán của Việt Nam), tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế khí, khí dầu mỏ hóa lỏng; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng lưu ý cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp, những nội dung khác chưa quy định trong Thông tư 70 sẽ được tham chiếu đến Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại; Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14-2-2014 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu thương mại và Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo từng loại hình tương ứng.
Tại hội nghị, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đã lắng nghe, trao đổi và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các cục hải quan địa phương và doanh nghiệp xung quanh các vướng mắc liên quan đến Thông tư 70 như: Thời hạn nộp hóa đơn thương mại bản chính; sử dụng phiếu cân trong hồ sơ hoàn thuế; niêm phong bồn bể; hồ sơ hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; phân luồng tờ khai hải quan đối với sản phẩm khí và khí dầu mỏ hóa lỏng…
Cụ thể, với đề xuất không niêm phong bồn bể cho tất cả các loại hình nhập khẩu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng của đại diện Công ty Kinh doanh sản phẩm khí và Công ty Chế biến khí Vũng Tàu, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, niêm phong hải quan là một trong những phương thức giám sát của cơ quan quản lí. Ngoài ra, cơ quan Hải quan có thể giám sát bằng các hình thức khác như giám sát trực tiếp, qua camera… Vì vậy, việc giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật là không thay đổi. Tuy nhiên, Cục Giám sát quản lý cũng sẽ đề xuất ý kiến của doanh nghiệp lên cấp có thẩm quyền để xem xét, có hướng giải quyết phù hợp nếu như việc niêm phong bồn bể trên gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến quy định tất cả các tờ khai khí và khí dầu mỏ hóa lỏng xuất nhập khẩu thông qua hệ thống khai báo hải quan điện tử đều phải được phân luồng vàng để kiểm tra hồ sơ (Điều 27 mục 5 của Thông tư 70), đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, sản phẩm khí và khí dầu mỏ hóa lỏng là hàng hóa đặc thù có độ rủi ro cao nên phải phân vào luồng vàng để kiểm tra hồ sơ.
Với những đề xuất liên quan đến thời hạn nộp hóa đơn thương mại bản chính; giảm bớt quy trình kiểm tra hàng hóa khi làm thủ tục xuất nhập khẩu; quá trình lấy mẫu để kiểm tra chất lượng, số lượng hàng hóa… Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết./.
Thu Dịu
hải quan
|