Các “ông trùm” ngân hàng Việt Nam sắp bị siết?
Giới chuyên gia lâu nay cho rằng bản chất sở hữu các ngân hàng ở Việt Nam không như thể hiện trên giấy tờ mà thực ra bị chi phối rất nhiều bởi các nhóm cổ đông lớn.
* NHNN: Nhiều cổ đông lớn đang thao túng ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo lần 3 về quy định xử lý việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, thông tin từ NHNN cho thấy có ít nhất 8 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) sẽ phải xử lý việc sở hữu vượt giới hạn hay thao túng, chi phối quản trị.
Hàng loạt ngân hàng bị chi phối sở hữu, dễ dẫn đến thao túng
NHNN khẳng định vẫn còn hiện tượng một cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần với số lượng lớn, vượt tỷ lệ theo quy định, có khả năng chi phối hoạt động của các ngân hàng. Cụ thể:
- 05/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ;
- 05/33 NHTMCP là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ;
- 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Ngoài ra, kết quả thanh tra của NHNN cho thấy ở không ít NHTMCP, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.
Giới chuyên gia lâu nay cho rằng bản chất sở hữu các ngân hàng ở Việt Nam không như thể hiện trên giấy tờ mà thực ra bị chi phối rất nhiều bởi các nhóm cổ đông lớn. Việc này thường được thực hiện thông qua sở hữu chéo các ngân hàng, nhờ đứng tên hộ hay hoạt động đầu tư ủy thác… Với dự thảo quy định lần này, NHNN đang thể hiện quyết tâm xử lý dứt điểm vấn đề.
Xử lý dứt điểm trước ngày 31/3/2015?
Dự thảo cũng quy định, nếu việc sở hữu vượt quá giới hạn cho phép phát sinh sau ngày Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực (01/01/2011) thì tổ chức và cá nhân liên quan sẽ bị phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, việc vượt giới hạn sở hữu này phải được xử lý trong vòng 30 ngày kể từ khi bị phạt hành chính.
Đối với trường hợp vi phạm phát sinh trước ngày 01/01/2011, ngân hàng phải có kế hoạch xử lý dứt điểm trước ngày 31/3/2015 và các tổ chức, cá nhân liên quan phải đảm bảo việc đưa tỷ lệ sở hữu về mức quy định trước ngày 31/12/2014; trừ trường hợp đã được duyệt phương án tái cơ cấu.
Dự thảo tái khẳng định chủ trương chỉ định chuyển nhượng hoặc sáp nhập/hợp nhất, không cấp tín dụng mới/thu hồi tín dụng cũ đối với các trường hợp vi phạm.
Như Lan
công lý
|