BIS hối thúc NHTW toàn cầu nâng lãi suất
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa cảnh báo các mức lãi suất siêu thấp đã khiến các Chính phủ và thị trường “ngủ quên” trong “cảm giác an toàn giả tạo”.
BIS cho rằng đã đến lúc bắt đầu bình thường hóa chính sách
|
Được xem là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương”, cơ quan có trụ sở tại Basel này hối thúc các nhà làm chính sách nên bắt đầu quá trình bình thường hóa lãi suất.
BIS cho biết trong báo cáo định kỳ hàng năm công bố hôm 29/06 rằng: “Không nên đánh giá thấp rủi ro của việc bình thường hóa lãi suất quá muộn và quá chậm”.
BIS cho biết lãi suất thấp đã gia tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro trên thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, các thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 1/2014 đến nay. Chỉ số FTSE All-World Share Index đã tăng 5% trong năm nay trong khi chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) – thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường – đang ở mức thấp nhất trong 7 năm.
“Nhìn chung, rất khó tránh được cảm giác thiếu kết nối giữa tình hình lạc quan của các thị trường với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu”, BIS cho biết trong báo cáo.
Theo BIS, dù tăng trưởng toàn cầu đã cải thiện nhưng vẫn còn dưới các mức trước khủng hoảng thậm chí khi các thị trường tài chính tăng trưởng mạnh mẽ.
Cơ quan này cho rằng các nhà làm chính sách nên tận dụng lợi thế từ xu hướng cải thiện hiện tại của nền kinh tế toàn cầu để cắt giảm sự phụ thuộc vào việc kích thích tiền tệ.
Bên cạnh đó, tổ chức này còn cảnh báo sự chần chừ trong việc thực hiện điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với việc khuyến khích nhà đầu tư đổ quá nhiều tiền vào các tài sản rủi ro.
“Qua thời gian, các chính sách sẽ mất dần hiệu quả và cuối cùng có thể chuyển sang hỗ trợ cho chính các vấn đề mà họ đang muốn ngăn chặn”, BIS nhận định.
Tổ chức này cho biết thêm: “Rủi ro dễ nhận thấy nhất là các ngân hàng trung ương sẽ cảm thấy mình ‘đi sau thời đại’ khi rút lui quá muộn và quá chậm”.
Được thành lập năm 1930, BIS là tổ chức tài chính quốc tế lâu đời nhất thế giới bao gồm 60 thành viên, trong đó có Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
BIS không thiết lập chính sách nhưng đóng vai trò như một diễn đàn để các ngân hàng trung ương trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Phước Phạm (Theo BBC)
Công Lý
|