Warren Buffett: Không còn nhiều thời gian
Đến hẹn lại lên, ngày 3.5.2014, hàng chục ngàn cổ đông đã bay đến Omaha, Nebraska (Mỹ) để tham dự một trong những đại hội cổ đông được mong đợi nhất thế giới: đại hội thường niên của Berkshire Hathaway, tập đoàn đầu tư mà tỉ phú Warren Buffett đã điều hành một cách thành công trong 50 năm qua.
Sẽ khó có ai “đi vừa đôi giày” của Buffett, nhất là khi một mình ông đảm đương tới 3 vị trí.
|
Mức lợi nhuận kỷ lục 19,5 tỉ USD năm 2013 và giá cổ phiếu đang được giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại tiếp tục là lý do cho không khí tưng bừng tại đại hội cổ đông thường niên năm nay. Nhưng không khí tưng bừng đó không đủ để che giấu nỗi lo của cổ đông: ai sẽ là người được chọn kế vị Buffett năm nay đã 84 tuổi. Một lần nữa, Buffett vẫn không tiết lộ điều gì về người được chọn. Nhưng trước đó, ông thừa nhận rằng sẽ khó có ai có thể “đi vừa đôi giày” của ông, nhất là khi một mình ông đã đảm đương tới 3 vị trí: Chủ tịch Hội đồng Quản trị, CEO và Giám đốc Đầu tư.
Chắc chắn tìm người kế vị không phải là sức ép duy nhất mà Buffett cũng như Berkshire đang đối mặt. Với mức vốn hóa thị trường 314 tỉ USD, Berkshire Hathaway giờ là công ty đại chúng có giá trị lớn thứ năm ở Mỹ, chỉ sau Apple, Exxon Mobil, Google và Microsoft. Nhưng càng trở nên lớn hơn, càng khó để Tập đoàn tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn nhằm làm nên những thành tích vang dội như Buffett đã thực hiện được trước đây. Và khi Tập đoàn càng trở nên đa dạng thì lại càng thách thức giới hạn điều hành của Buffett. Giới hạn này đã bộc lộ khi tăng trưởng của Berkshire có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây.
Cỗ máy Berkshire khựng lại
Berkshire có hơn 80 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Không ai phủ nhận sự lớn mạnh của Berkshire ngày nay là nhờ bàn tay của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Ông đã liên tiếp đánh bại thị trường bằng cách mua lại các công ty có chất lượng mà ông tin rằng mình có hiểu biết về chúng, đặc biệt là công ty hoạt động trong những ngành tương đối ổn định. Ông thích mua lại những thương hiệu nổi tiếng hoặc giữ một mức độ độc quyền nào đó mà ông gọi là những “hàng rào bảo vệ”. Ông cũng thích những công ty có văn hóa đạo đức tốt và dàn quản lý đam mê công việc. Nếu mua được cổ phiếu khi chúng đang rẻ thì quá tốt, nhưng nguyên tắc đầu tư của ông vẫn là “mua một công ty tuyệt vời với giá hợp lý tốt hơn nhiều so với việc mua một công ty vừa phải với mức giá tuyệt vời”.
Buffett vẫn bám trụ với nguyên tắc này ngay cả khi xu hướng thị trường đang đi ngược lại với những gì ông tin tưởng, như trong thời kỳ bong bóng dotcom. Từ cuối tháng 6.1998 cho đến cuối tháng 2.2000, giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway đã giảm tới 44% trong khi thị trường nói chung tăng tới 32%. Giai đoạn đó, Buffett bị chỉ trích là “đã không nắm bắt được nền kinh tế mới”. Thế nhưng, việc không chịu đầu tư vào các công ty mà ông không hiểu được là một chiến lược đúng đắn khi bong bóng dotcom xì hơi và nhiều nhà đầu tư sa lầy vào cổ phiếu dotcom đã hứng chịu hậu quả nặng nề.
Các cuộc nghiên cứu về Berkshire Hathaway cũng cho thấy Buffett luôn làm những gì ông nói. Berkshire đã chiến thắng thị trường trong một thời gian dài do đầu tư vào các cổ phiếu có rủi ro tương đối thấp và đang được thị trường định giá thấp, theo cuộc nghiên cứu có tên “Buffett’s Alpha” do 3 chuyên gia kinh tế Andrea Frazzini, David Kabiller và Lasse Pedersen thực hiện.
Thế nhưng, gần đây, cổ phiếu Berkshire đã không còn tạo ra kết quả ấn tượng như thế nữa. Từ năm 2009-2013, mức vốn hóa thị trường của Berkshire đã tăng chậm hơn so với chỉ số S&P 500. Tình hình này phần lớn là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi cả thị trường lao dốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là, theo Jonathan Brandt, chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Ruane, Cunniff & Goldfarb, tốc độ tăng trưởng dài hạn của Tập đoàn cũng đang chậm lại. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, một chỉ số phản ánh giá trị nội tại của Tập đoàn, đã tăng gần 25%/ năm trong suốt 34 năm đầu tiên Buffett điều hành. Nhưng kể từ đó, Berkshire đã tăng trưởng với tốc độ chỉ 9%/năm. “Trong 10 năm tới, viễn cảnh lạc quan nhất, theo tôi, là giá trị nội tại tăng trưởng 12% mỗi năm”, ông Brandt dự báo.
Dấu hỏi về người kế vị
Berkshire càng phình to, các thương vụ thâu tóm phải càng có quy mô lớn thì mới đủ sức kéo cỗ máy khổng lồ này vận hành. Thương vụ Heinz có giá tới 23 tỉ USD khi Buffett và 3G Capital mua lại vào năm ngoái. Còn Kellogg’s, một nhà sản xuất ngũ cốc ăn sáng đang trong tầm ngắm của Buffett, thì có giá trị thị trường 24 tỉ USD. Có được giá tốt trong các thương vụ thâu tóm lớn như vậy sẽ rất khó. Bởi lẽ, các tập đoàn đầu tư tư nhân và quỹ đầu cơ giờ đã hồi phục sau khủng hoảng với cơ cấu vốn lành mạnh hơn và họ cũng đang chú ý đến các thương vụ lớn như thế. Trong khi đó, công ty lớn không còn nhi để Buffett có thể lựa chọn làm mục tiêu thâu tóm. Điều đó có nghĩa, muốn thực hiện các thương vụ thâu tóm hội đủ các nguyên tắc đầu tư của Buffett là điều rất khó.
Thực tế cho thấy, trong những thương vụ mua lại gần đây, Buffett đã có sự “du di” đối với một số nguyên tắc đầu tư của mình. Trong thương vụ mua lại Heinz và thâu tóm một công ty dịch vụ tiện ích ở Nevada, chẳng hạn, Buffett đã sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính hơn. Vay nợ xưa nay vẫn nằm trong công thức đầu tư của ông, nhưng luôn ở mức độ vừa phải. Theo cuộc nghiên cứu Buffett’s Alpha, Berkshire Hathaway đã vay khoảng 60 cent trong mỗi đồng USD bỏ ra mua lại cổ phiếu và Tập đoàn luôn đảm bảo lượng tiền mặt có đủ để tránh rơi vào cảnh bán tháo tài sản do thiếu tiền. Như Buffett thường nói, số tiền từ mảng bảo hiểm gọi là float (khoản tiền Berkshire nắm giữ để nộp yêu cầu bảo hiểm trong tương lai trong khi chờ đợi, có thể dùng số tiền này để đầu tư) là một lợi thế lớn trong việc đi thâu tóm doanh nghiệp. Trong năm 2013, khoản tiền này đã lên tới 77 tỉ USD.
Thế nhưng, việc vay mượn nhiều hơn trong một số thương vụ gần đây có thể được xem là dấu hiệu đáng ngại trong bối cảnh Buffett sắp thoái vị. Trên thực tế, đã có không ít người đặt câu hỏi liệu ban điều hành mới có tiếp tục giữ vững tính kỷ luật trong nguyên tắc đầu tư sau khi Buffett ra đi.
Thành công trong quản lý của Buffett ấn tượng không kém gì thành công của ông trong đầu tư. Dưới sự điều hành của ông, Berkshire Hathaway, với cổ phiếu được giao dịch cao hơn 40% so với giá trị sổ sách, đã chứng minh một điều rằng các tập đoàn đa ngành không hề phá hoại giá trị của các doanh nghiệp mà họ sở hữu. “Không có một doanh nghiệp nào trong vòng 100 năm qua có thể tạo ra kết quả kinh doanh bền vững như Berkshire cả”, Andrew Campbell, đồng tác giả cuốn sách về điều hành các doanh nghiệp lớn “Strategy for the Corporate Level”, nhận xét.
Một lý do cho sự thành công này là Buffett không bao giờ dùng việc phân bổ vốn như một “công cụ làm chính trị” trong nội bộ vốn là vấn đề thường thấy trong các tập đoàn đa ngành. Chiến lược đầu tư của Buffett thường gắn với những công ty mà ông hiểu được và dàn quản lý mà ông có thể tin tưởng. Các công ty do Berkshire sở hữu cũng có niềm tin như thế đối với ông. Họ không ngại khi Buffett chuyển một phần lợi nhuận trong công ty họ sang nơi khác vì tin rằng ông sẽ để lại cho họ một khoản lợi nhuận đủ để phục vụ cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Nhưng khi các công ty của Berkshire ngày càng lớn mạnh hơn, nhu cầu nội bộ về vốn càng lớn hơn và càng trở nên khó đánh giá hơn. Đặc biệt là khi Buffett về hưu, chuyện phân bổ vốn như thế nào cho hợp lý và làm hài lòng tất cả các nhà điều hành chắc chắn là một nỗi đau đầu cho người kế vị ông.
Tất cả lại quay trở về câu hỏi ai sẽ là người có đủ sức lôi cuốn và uy tín như Buffett để giữ trật tự ở một tập đoàn đang lớn mạnh sau khi ông ra đi. Buffett luôn tự hào về một thế hệ kế thừa mới mà ông cho rằng sẽ tiếp tục phát huy sự nghiệp của ông ở Berkshire, trong đó có “bộ ba T”, tức 3 nhà điều hành cấp cao tại Berkshire gồm Tracy Britt Cool, Todd Combs và Ted Weschler. Nhưng không phải “con cưng” nào của Buffett cũng được lòng nhân viên. Tracy, chẳng hạn, hiện là Chủ tịch của Benjamin Moore, một công ty sản xuất sơn thành lập vào năm 1883 do Berkshire sở hữu. Công ty này đang đối mặt với khủng hoảng về dàn quản lý khi chỉ trong 2 năm đã có 3 đời CEO. Nhân viên công ty này đang ngày càng tỏ ra không hài lòng về những người lãnh đạo trong đó có cả Tracy. Cổ đông Berkshire đang hy vọng các vấn đề của Benjamin chỉ là cá biệt, chứ không phải là dấu hiệu cho những vấn đề lớn hơn của Tập đoàn khi Buffett thoái vị.
Buffett cho biết Hội đồng Quản trị đang cân nhắc ít nhất 3 ứng cử viên cho vị trí CEO của Berkshire và ông đã cho các thành viên trong Hội đồng Quản trị biết về ứng cử viên số 1 của ông. Dù cổ đông vẫn chưa biết tên người đó là ai nhưng Ajit Jain, người đứng đầu mảng tái bảo hiểm của Tập đoàn, có thể là lựa chọn được họ ưng ý nhất. Cổ đông tin rằng Jain sẽ giữ vững các nguyên tắc đầu tư như Buffett. Hơn nữa, Jain cũng là người được Buffett khen ngợi nhiều hơn so với hầu hết các nhà quản lý cấp cao khác tại Tập đoàn. Thế nhưng, đó lại là người không muốn ngồi vào vị trí của Buffet.
Ngô Ngọc Châu (Theo The Economist)
Nhịp cầu đầu tư
|