Thứ Ba, 13/05/2014 10:05

Thông tư số 13: Vẫn còn nhiều… sạn

TBKTSG số ra ngày 17-4-2014 có đăng bài Xử lý sở hữu chéo: thời khắc đã điểm! nói về dự thảo thông tư thay thế cho Thông tư số 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD).

Việc sử dụng vốn tại các tổ chức tín dụng vẫn đang khiến cơ quan quản lý đau đầu tìm cách quản lý

Đây là mong muốn đáng ghi nhận của nhà làm luật nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, lách quy định và thậm chí là đầu tư bất chấp rủi ro trong hệ thống các TCTD hiện nay. Bài viết này chỉ muốn bàn thêm về một số vấn đề chưa ổn của dự thảo.

Đầu tiên là vấn đề xác định vốn tự có của TCTD. Trong dự thảo của mình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) loại bỏ phần “các khoản cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng khác” khi tính vốn tự có trong chỉ số an toàn vốn (CAR). Dễ dàng hiểu được dụng ý của NHNN khi soạn thảo như vậy, nhưng đâu là cơ sở của lập luận này?

Lưu ý rằng để cấp tín dụng, dù cấp cho đối tượng nào thì TCTD được sử dụng toàn bộ nguồn vốn hoạt động của mình (gồm vốn tự có và vốn huy động được), chứ không chỉ sử dụng vốn tự có. Trên thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra là tổng dư nợ của các khoản cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD khác sẽ lớn hơn so với vốn tự có của TCTD cấp tín dụng. Vậy trường hợp này vốn tự có để tính CAR của TCTD có thể sẽ âm.

Xét về bản chất, đây cũng chỉ là những khoản cấp tín dụng, và nguyên tắc là có hoàn trả theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Dòng tiền trả nợ của khách hàng vẫn được thanh toán cho TCTD và TCTD vẫn được sử dụng nguồn vốn này thì lý do gì phải loại bỏ khi tính vốn tự có?

Đừng so sánh khoản này với khoản “góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng khác” vì hoàn toàn khác nhau về bản chất. Hơn nữa, các TCTD chỉ được dùng vốn tự có để góp vốn, mua cổ phần (luật định), và đó là một khoản đầu tư không xác định trước thời gian thu hồi nên việc loại bỏ khỏi vốn tự có khi tính toán CAR là hợp lý.

Thứ hai, trong quy định về giới hạn góp vốn mua cổ phần, NHNN bổ sung thêm một quy định quan trọng so với Thông tư số 13/2010, đó là “ngân hàng, công ty tài chính không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng, công ty tài chính đó; không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng, công ty tài chính”.

Vế đầu tiên có thể hiểu, tức là việc mua cổ phần qua - lại giữa các TCTD và giữa TCTD với các doanh nghiệp khác cần được kiểm soát. Tuy nhiên, vế thứ hai có thể nảy sinh vấn đề trong thực hiện và liệu điều đó có là quy định hợp lý?

Nói ví dụ, tôi là thành viên góp vốn của một doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu từ 5% vốn điều lệ, hay thậm chí không phải là thành viên góp vốn mà chỉ là đại diện phần vốn góp (khi đó tôi trở thành người có liên quan của doanh nghiệp). Tôi có mua vài cổ phiếu của TCTD, thì khi đó, TCTD sẽ không được mua cổ phần cũng như không được góp vốn vào doanh nghiệp mà tôi góp vốn và/hoặc đại diện. Có thể nói đây là quy định quá mức cần thiết.

Thứ ba, sự nhập nhằng trong phân loại tài sản “Có” (gọi chung là các khoản phải đòi) theo các nhóm hệ số rủi ro vẫn chưa được khắc phục. Điều này thực tế đã gây lúng túng cho các TCTD trong quá trình thực hiện, và có thể dẫn đến việc tính tỷ lệ CAR không thống nhất, không loại trừ việc TCTD tính sao cho có lợi nhất mà không vi phạm quy định của NHNN.

Đa phần NHNN phân các khoản phải đòi theo các nhóm hệ số rủi ro dựa vào đối tượng trả nợ. Ví dụ, các khoản phải đòi NHNN có hệ số 0%, các khoản phải đòi TCTD khác là 20%... Tuy nhiên, các khoản phải đòi có bảo đảm bằng vàng thì hệ số 150% (tức phân theo tài sản bảo đảm mà không cần biết đối tượng trả nợ là ai). Vậy các khoản phải đòi TCTD khác có bảo đảm bằng vàng thì hệ số là bao nhiêu, 20% hay 50% là tùy các TCTD “quyết định”.

Hơn nữa, nếu xét về tài sản bảo đảm để phân loại mức độ rủi ro của các khoản phải đòi cũng chưa ổn. Bởi những khoản phải đòi không có tài sản bảo đảm sẽ được phân vào nhóm có hệ số 100%, tức ít rủi ro hơn các khoản phải đòi có bảo đảm bằng vàng (150% như đề cập ở trên).

Bên cạnh đó, có lẽ NHNN đã đưa ý kiến chủ quan của mình vào dự thảo hơn là phân loại các khoản phải đòi một cách khách quan theo mức độ rủi ro của từng khoản đầu tư mà các TCTD thực hiện. Chính vì vậy, NHNN áp hệ số các khoản phải đòi có bảo đảm bằng vàng là 150% (vì muốn hạn chế nhận vàng làm tài sản bảo đảm) trong khi các khoản phải đòi có bảo đảm bằng bất động sản chỉ có hệ số 50%. Bảo đảm bằng vàng hay bất động sản sẽ an toàn hơn cho các TCTD chắc không cần phải là dân ngân hàng mới rõ.

Lê Duy Khánh

tgktsg

Các tin tức khác

>   TPHCM: Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (13/05/2014)

>   Tỷ giá không lấy dao mổ kiến (13/05/2014)

>   Ngân hàng lại kêu... thừa tiền (13/05/2014)

>   Kiến nghị thành lập trung tâm hỗ trợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (13/05/2014)

>   Gói tín dụng ưu đãi 150 triệu USD cho ngành hàng lúa gạo (13/05/2014)

>   Ngân hàng sẽ bị sức ép từ biển Đông (13/05/2014)

>   SHB ký hợp tác với 2 doanh nghiệp ngành xây dựng (12/05/2014)

>   Ngân hàng cổ phần giảm vốn, tài sản (12/05/2014)

>   ACB: Lãi trước thuế quý 1 giảm 19% cùng kỳ, nợ xấu 3.28% (12/05/2014)

>   Bước đi âm thầm của ngân hàng ngoại (12/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật