Thông tư 09: Siết dần nợ xấu
Áp lực tăng chi phí dự phòng sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay.
Thông tư 09 (có hiệu lực từ ngày 20.4.2014) sửa đổi lại thông tư 02 được xem là bước lùi nhân nhượng của Ngân hàng Nhà nước khi tiếp tục cho phép ngân hàng thương mại được cơ cấu lại các khoản nợ của mình, bao gồm cả việc giãn nợ và được phép giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng có tiềm năng kinh doanh.
Thế nhưng, Thông tư 09 lại khắt khe hơn ở một điểm: quy định ngân hàng chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần đối với một khoản nợ. Nghĩa là mỗi khoản nợ chỉ được cấu trúc lại một lần duy nhất. Trong trường hợp khách hàng không thể trả nợ khi đến hạn, ngân hàng bắt buộc phải chuyển nhóm nợ. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), đây là động thái siết chặt hơn của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Với Thông tư 09, ngân hàng sẽ phải tốn nhiều chi phí xử lý hơn, bao gồm trích lập dự phòng khi chuyển nhóm nợ (nợ ở nhóm 3 trích lập dự phòng 20% trong khi nhóm 4 lên đến 50% và nợ nhóm 5 lên đến 100%), kéo theo là tỉ lệ nợ xấu cao hơn. Vậy nợ xấu dự kiến sẽ tăng lên bao nhiêu? Theo ông Tùng, đây là câu hỏi rất khó trả lời, vì mỗi khoản nợ ở các ngân hàng là khác nhau.
Một điều chắc chắn rằng áp lực tăng chi phí dự phòng sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận của ngành trong năm nay. Năm ngoái, một số ngân hàng đã chấp nhận mất lợi nhuận cũng do phải trích lập. Ngân hàng Đông Á, chẳng hạn, phải trích lập 430 tỉ đồng trong tổng lợi nhuận thuần gần 990 tỉ đồng, tức chi phí trích lập chiếm tới 56,5% lợi nhuận làm ra. Còn ở Ngân hàng Đại Dương, tỉ lệ này ở mức 70%; ở VIB lên tới gần 91,5%. Năm nay, sức ép giảm lợi nhuận do trích lập dự phòng sẽ vẫn tiếp tục.
Quý I vừa qua, tại các kỳ đại hội cổ đông, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết họ đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng ngay từ đầu năm để ứng phó với nợ xấu. Rõ ràng, dù có lùi thời hạn áp dụng việc phân loại nợ xấu mới, áp lực trích lập dự phòng chưa bao giờ giảm xuống.
Đối tượng bị tác động bởi Thông tư 09 không chỉ có ngân hàng mà còn có doanh nghiệp. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là trong số hơn 300.000 tỉ đồng nợ đã được cơ cấu lần 1, liệu có bao nhiêu khoản nợ sẽ trả được đúng kỳ hạn lần này.
Ông Tùng, OCB, cho biết một số doanh nghiệp được cơ cấu nợ đã làm ăn tốt và nay đã trả được nợ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nhanh chóng gượng dậy sau khó khăn hoặc tiền chưa về kịp để trả nợ. Khi đó, những doanh nghiệp này sẽ bị chuyển nhóm nợ và thông tin tín dụng của họ cũng trở nên xấu đi. Bởi lẽ, thông tin tín dụng của khách hàng ở một ngân hàng sẽ được cập nhật lên Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) và sử dụng chung ở tất cả các ngân hàng khác. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó lòng vay thêm hoặc phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay.
Thanh Phong
ncđt
|