Kỳ vọng gì vào cổ tức ngân hàng 2014?
Với tổng số tiền dự kiến trả cổ tức cho năm 2014 là khoảng 15,780 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào cổ tức của các nhà băng?
Năm 2013 khép lại cùng với những “hỉ nộ ái ố” của nhà đầu tư, có nơi vui vì cổ tức chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cũng có những ngân hàng khiến nhà đầu tư bức xúc, buồn bực vì không nhận được đồng cổ tức nào hay vì cổ tức quá thấp. Liệu trong năm 2014, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào tỷ lệ cổ tức của các nhà băng khi hầu hết đều đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn so với năm trước.
Sacombank (HOSE: STB) vẫn đang là nhà băng có tỷ lệ trả cổ tức cao nhất trong hệ thống các ngân hàng. Năm 2013, STB trả cho cổ đông 16% cổ tức (8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu). Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3,000 tỷ đồng, ĐHĐCĐ thường niên của STB đã thông qua việc trả cổ tức năm 2014 với tỷ lệ từ 10-12%, nếu tính bằng tiền, số tiền STB sẽ phải chi ra gần 1,350 tỷ đồng (STB dự kiến tăng vốn lên 13,482 tỷ đồng trong năm 2014).
Kế hoạch kinh doanh và cổ tức 2014 của một số ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng
|
Nhiều “ông lớn” ngân hàng có tỷ lệ trả cổ tức từ 8-10% trong năm 2014. Trong đó, ĐHĐCĐ thường niên của Vietinbank (HOSE: CTG) đã thông qua việc giữ nguyên tỷ lệ trả cổ tức như năm trước là 10%; BIDV (HOSE: BID) cũng trả cổ tức tương đương năm trước với tỷ lệ 8-9%, năm 2013 BIDV trả 8.5% cổ tức (2.1% bằng tiền mặt và 6.4% bằng cổ phiếu). Còn Vietcombank (HOSE: VCB) cũng thống nhất giảm cổ tức 2014 xuống 10% so với mức 12% của năm 2013. Như vậy, số tiền trả cổ tức các ngân hàng này dự chi đều trên 2,000 tỷ, trong đó Vietinbank lên đến 3,700 tỷ đồng. Lợi nhuận kế hoạch của các “ông lớn” từ 5,500–7,280 tỷ đồng.
Ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) và Eximbank (HOSE: EIB) cũng dự chi hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Trong đó, MBB đã quyết định tỷ lệ trả cổ tức 10%, giảm so với mức 11% của năm 2013, Ngân hàng cho biết sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hằng năm cao hơn mức lãi suất huy động tiền gửi bình quân khoảng 30%.
Các ngân hàng lớn đều dành từ 42-51% lợi nhuận trước thuế để chi trả cổ tức, riêng tại BIDV tỷ lệ này thấp hơn ở mức 37%, với kế hoạch lợi nhuận 6,000 tỷ đồng BIDV sẽ trích khoảng 2,250 tỷ đồng chi trả cổ tức cho năm 2014.
Nguồn: Internet
|
Trong khi nhiều ngân hàng lớn dự kiến giảm hoặc giữ cổ tức tương đương so với năm trước thì nhiều nhà băng có quy mô vốn nhỏ hơn lại tăng cổ tức cho cổ đông, đồng thời phần cổ tức dự kiến chi trả cũng chiếm trên dưới 60% lợi nhuận trước thuế của ngân hàng. Điển hình LienVietPostBank (LPB) nâng cổ tức từ 8% lên 10%, tương đương 665 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) cũng trả cổ tức 2014 từ 9-10%. Trong năm 2013, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) trả cổ tức 7.5% bằng tiền mặt và đã thông qua việc tăng cổ tức lên 9% trong năm 2014, tương đương khoản tiền gần 1,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có không ít nhà băng đạt kế hoạch cổ tức còn thấp hơn lãi suất tiền gửi tại ngân hàng như VietCapitalBank, MDB, Saigonbank. Hay Southernbank (PNB) đã thông qua kế hoạch chi trả 5% có đủ hấp dẫn nhà đầu tư không khi năm trước đại hội nhất trí chi trả 8% nhưng kết quả lại không được nhận một đồng nào cho năm 2013 vì kết quả kinh doanh năm 2013 quá thấp, lợi nhuận để lại chỉ đủ chia tỷ lệ 0.05%.
Riêng một số ngân hàng như Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Maritimebank (MSB) đều không trả cổ tức cho cả năm 2013 và 2014. SCB sau khi hợp nhất vẫn đang trong lộ trình hoàn tất tái cơ cấu, lợi nhuận thấp nên sẽ không chia cổ tức trong những năm thực hiện tái cơ cấu này. Còn Maritimebank, mặc dù lãi trước thuế năm 2013 đạt hơn 410 tỷ đồng nhưng vẫn không trả cổ tức cho cổ đông. Đến năm 2014, ĐHĐCĐ thường niên của Maritimebank đã thông qua chủ trương sáp nhập với Ngân hàng MêKông (MDB) với lãi dự kiến giảm mạnh xuống 265 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014 nhưng cũng không nhắc đến tỷ lệ chi trả cổ tức.
Minh Hằng
công lý
|