Tăng tuổi nghỉ hưu có là giải pháp tối ưu?
Việc tăng tuổi nghỉ hưu chưa phải là giải pháp căn cơ và quan trọng để tránh “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác.
Tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam hiện ở mức tương đương với nhiều nước trong khu vực. Chẳng hạn Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi cho cả hai giới; Lào: 60 cho cả hai giới (nhưng cho phép nữ có quyền nghỉ sớm từ tuổi 55); Trung Quốc: 60 đối với nam, từ 50-60 đối với nữ. Đài Loan: 60 đối với nam, 55 đối với nữ. Một số nước quy định tuổi nghỉ hưu khá cao, chẳng hạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc là 65 tuổi cho cả nam và nữ, tại Singapore là 62 tuổi cho cả nam và nữ... Điều đó cho thấy việc quy định tuổi nghỉ hưu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là điều kiện dân số.
Nhìn qua sẽ thấy các nước có dân số già, tỷ lệ lao động thấp, nguồn nhân lực khan hiếm thì tuổi nghỉ hưu cao và ngược lại. Việt Nam chúng ta hiện được xếp trong diện các quốc gia có dân số trẻ (hiện nay đang ở thời điểm dân số vàng). Nâng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung, nhưng thời điểm này chưa thích hợp với nước ta, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp hiện còn cao, nền kinh tế đang khá khó khăn trong việc tạo ra chỗ làm mới cho người lao động đến tuổi. Đồng thời, đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng khó khăn của quỹ BHXH hiện nay.
Trong khi đó, như nhiều lo ngại của các chuyên gia và cả xã hội, những vấn đề mấu chốt để giải quyết khó khăn này chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ nhất, phạm vi huy động nguồn đóng BHXH từ người lao động (NLĐ) hiện nay còn quá thấp so với số lượng NLĐ thực tế trong xã hội. Ngay một lãnh đạo BHXH đã thừa nhận trên TBKTSG rằng số lượng người đóng BHXH hiện nay không nhiều, chỉ có khoảng 20% lao động có đóng BHXH, trong khi đó có tới 78% lao động nằm trong diện bắt buộc phải đóng. Hiện cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH của các doanh nghiệp khi không tham gia đóng BHXH cho NLĐ. Hệ quả là bản thân NLĐ bị thiệt thòi, cũng như gây khó khăn không nhỏ cho vấn đề an sinh xã hội sau này. Nhà nước sẽ phải tham gia giải quyết nhiều vấn đề đáng lẽ ra phải do quỹ BHXH chi trả nếu NLĐ được đóng BHXH đầy đủ.
Theo khoản 2, điều 53, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Theo luật hiện hành, điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu hiện nay là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. |
Thứ hai, thực tế đóng BHXH hiện còn khá bất cập. Trừ khối hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu đóng BHXH cho NLĐ theo mức lương tối thiểu, chỉ bằng 30-50% lương thực lãnh. Cách đóng này sẽ khiến cho NLĐ khi nghỉ hưu hoặc nghỉ hưởng chế độ BHXH chỉ được lãnh lương hưu hoặc trợ cấp ở mức rất thấp và quỹ BHXH không huy động được nguồn tài chính mạnh hơn. Bộ luật Lao động và Luật BHXH đã quy định rõ căn cứ đóng BHXH phải dựa trên tổng quỹ lương hàng tháng của người sử dụng lao động trả cho NLĐ. Thế nhưng, cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp xử lý triệt để tình trạng lách luật này.
Thứ ba, việc tính lương hưu hiện nay đang có sự không thống nhất giữa người lao động thuộc khu vực tư nhân và Nhà nước, gây bất bình đẳng và ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của quỹ BHXH. Mức lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức được tính là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu, nếu việc đóng BHXH thực hiện từ ngày Luật BHXH có hiệu lực (1-1-2007). Trong khi đó, lương hưu của người lao động khu vực tư nhân lại tính theo bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu thường cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả thời gian đóng BHXH do việc tăng lương cơ bản càng về sau càng có xu hướng tăng, hệ số lương đối với NLĐ cũng được điều chỉnh cao hơn.
Thứ tư, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu lại có sự khác nhau giữa nam và nữ, cũng gây bất bình đẳng và ảnh hưởng đến chi tiêu của quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm được tính bằng 45%, sau đó cứ thêm một năm làm việc được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Như vậy, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% thì người lao động là nam phải có thời gian đóng BHXH 30 năm trong khi người lao động là nữ chỉ cần 25 năm.
Thứ năm, hiện nay nguồn quỹ BHXH đang được sử dụng chưa thật sự hiệu quả nhằm duy trì và tạo thêm giá trị tăng trưởng. Tồn quỹ chủ yếu vẫn được đầu tư vào một số lĩnh vực có tỷ suất sinh lời thấp như mua các loại trái phiếu chính phủ, gửi tiết kiệm ngân hàng do quan niệm về độ an toàn. Tại nhiều nước, tồn quỹ còn được sử dụng vào việc liên doanh hoặc ủy thác kinh doanh, trực tiếp kinh doanh... Thậm chí có nước còn lập ngân hàng riêng trong hệ thống BHXH để đầu tư, kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Chúng ta cần thay đổi phương pháp tiếp cận sử dụng nguồn tiền này.
Riêng đối với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng giữ mức tuổi nghỉ hưu 60 đối với nam, tăng lên 58-60 đối với nữ là phù hợp (trong đó quy định quyền được nghỉ hưu sớm đối với những ngành nghề lao động phổ thông, nặng nhọc, độc hại...). Sau này, khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động thay đổi theo hướng thấp hơn, do dân số già thì có thể nâng lên mức cao hơn từ 2-3 tuổi. Ở độ tuổi trên 50, khả năng làm việc của NLĐ có xu hướng chững lại và khó khăn hơn, nhất là những ngành nghề lao động phổ thông, nặng nhọc, độc hại thì càng giảm sút năng suất làm việc. Trong thực tế cũng đã cho thấy rõ, ở tuổi này sức ì cũng bắt đầu ngày càng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và tương quan năng suất lao động với người trẻ, dẫn đến những mâu thuẫn và phức tạp trong điều hành và duy trì mối quan hệ nội bộ của người sử dụng lao động.
Trường Thiên
tbktsg
|