Thứ Hai, 05/05/2014 09:19

Sản xuất công nghiệp: Dấu hiệu phục hồi

Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 4/2014 tăng so với tháng 3 và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 lại giảm nhẹ và chỉ số hàng tồn kho vẫn chưa có nhiều cải thiện. Vì thế, tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, chủ động tháo gỡ khó khăn... vẫn sẽ là những giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương triển khai trong tháng 5.

Thủy sản vẫn là nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu

Dấu hiệu phục hồi rõ hơn trong sản xuất

Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tháng 4/2014 tăng 1,2% so với tháng 3 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,6% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 4 tháng qua, IPP tăng 5,4%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 4,8%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn mức tăng của toàn ngành cho thấy sản xuất của một số ngành có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: than sạch giảm 5,8%; xăng, dầu các loại giảm 4,6%; sắt thép thô giảm 11,0%; máy công cụ giảm 44,3%; xe máy giảm 7,4%; phân NPK giảm 2,8%, phân DAP giảm 9,3%... cũng phần nào ảnh hưởng tới mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp chế biến.

Điều đáng nói là chỉ số hàng tồn kho của nhiều mặt hàng chưa thực sự được cải thiện, đơn cử như tại thời điểm ngày 1/4/2014, tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2% so với ngày 1/3/2014 và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao là: sản xuất đường tăng 34,0%; sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 65,1%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 39,9%, sản xuất thuốc lá tăng 68,5%, sản xuất giày, dép tăng 58,6%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 62,0%, sản xuất sắt, thép, gang tăng 33,9%,... Phân tích kỹ hơn về chỉ số tồn kho của một số ngành tăng cao, Vụ Kế hoạch lý giải: Do tồn kho tháng trước của các ngành này cao so với cùng kỳ năm 2013, trong khi tiêu thụ tăng trưởng ở mức thấp và trung bình.

Tiếp tục xuất siêu

Mặc dù tăng tới 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tháng 4/2014 lại giảm nhẹ 0,6% so với tháng 3, ước đạt 12,2 tỷ USD. Trong đó: Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 3 và tăng 24,2% so với tháng 4/2013. Tuy nhiên, nhờ mức tăng trưởng khá cao của quý I nên đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên con số ước đạt 45,74 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 6,61 tỷ USD). Dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến vẫn là những nhóm hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, đơn cử như kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 4 tháng đạt 5.936 triệu USD, tăng 20,0% so với cùng kỳ; xuất khẩu của nhóm hàng nông-lâm- thủy sản ước đạt 7 tỷ USD, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2013. Nhóm hàng công nghiệp chế biến 4 tháng ước đạt hơn 33 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhập siêu tháng 4 ước 400 triệu USD, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 4 tháng qua Việt Nam xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu. Đây là kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2014- Vụ Kế hoạch đánh giá.

Trong tháng 5, bên cạnh việc phối hợp các hiệp hội, bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp cụ thể với từng mặt hàng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc chủ động tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm hàng tồn kho. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Thùy Linh

công thương

Các tin tức khác

>   Truy thu gần 400 tỷ tiền thuế: Bộ Tài chính có bị doanh nghiệp khởi kiện? (05/05/2014)

>   Khi xe nhập tràn về… (05/05/2014)

>   Tồn kho ngành công nghiệp tiếp tục gia tăng (05/05/2014)

>   Áp trần giá sữa: Không đơn giản! (05/05/2014)

>   Bộ trưởng KHĐT nói về chính sách ưu đãi doanh nghiệp (04/05/2014)

>   25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm (04/05/2014)

>   Công khai, minh bạch giá điện (04/05/2014)

>   Thêm một dự án điện gió tại khu kinh tế Nhơn Hội (04/05/2014)

>   Quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (03/05/2014)

>   Nợ nần khiến bệnh viện lao đao (03/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật