Phát hành Trái phiếu Chính phủ: Luẩn quẩn
Theo số liệu báo cáo của Chính phủ trước QH, tính đến 25-4-2014 đã phát hành được gần 98.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), bằng 33% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014. Đây là một con số đáng kể. Tuy nhiên không phải con số nào tăng cũng là một tín hiệu vui.
Phát hành TPCP tức là thu tiền trong nền kinh tế về để thực hiện các mục tiêu đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên việc phát hành TPCP quy mô lớn nhưng chủ yếu qua kênh các ngân hàng thương mại (chiếm khoảng 86% tổng nguồn huy động) đang làm ảnh hưởng đến dòng đầu tư tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vốn vay của DN, cũng như tiềm ẩn áp lực lạm phát trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Điều này thể hiện qua con số đến 21-4, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 0,53% so với tháng 12-2013 (cùng kỳ năm 2013 tăng 1,44%).
Các con số này cũng đủ để vẽ nên bức tranh ngân hàng thừa vốn, bí đầu ra buộc phải dồn vốn vào mua TPCP để giảm áp lực trả lãi vay cho người gửi tiền. Và điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng chuyển trách nhiệm trả lãi tiền gửi sang cho Chính phủ. Xét ở bình diện kinh tế, đây là việc làm bình thường, không trái quy luật thị trường bởi ngân hàng cũng là DN, thấy địa chỉ nào lợi nhuận an toàn cao hơn thì đầu tư tiền vốn vào đó, nhưng vấn đề này cũng cho thấy, dòng vốn từ ngân hàng ra nền kinh tế đang ách tắc.
Vậy xét về phương diện dòng vốn từ TPCP vào nền kinh tế có cho thấy một bố cục khác tương phản? Theo thông tin mà bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong rất nhiều đợt phát hành TPCP thành công, do chậm giải ngân, tiền trái phiếu lại đi vào kho bạc, sau đó lại gửi ngược vào các ngân hàng thương mại.
Từ đó có thể thấy rõ rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư khiến Nhà nước thiệt hại đúp, vừa mất tiền trả lãi cho ngân hàng, vừa không đẩy nhanh tiến độ dự án và dòng tiền của nền kinh tế cứ đi một vòng luẩn quẩn khép kín như vậy mà không chảy vào những lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích.
Trả lời câu hỏi này cũng là nhiệm vụ chung mà Chính phủ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là làm sao để tăng tổng cầu. Muốn vậy, chỉ còn cách tăng cường quản lý đầu tư công, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để bảo đảm kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó, dòng vốn mới đến được đúng địa chỉ.
An Tư
Hải Quan
|