Lợi tức trái phiếu có ngừng rơi?
Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành đã liên tiếp rơi xuống những mức thấp mới, buộc các tổ chức đang nắm giữ thứ hàng hóa được đánh giá là an toàn bậc nhất này, tạm ngừng mua vào hoặc giảm khối lượng giao dịch.
Trước kỳ nghỉ lễ, trong phiên đấu thầu ngày 28-4, lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm đã xuống thấp ở mức kỷ lục mới 5,58%/năm, mức thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây.
Lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm đã xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây hôm 28-4
|
Sự dư thừa vốn là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tìm đến kênh trái phiếu. Những ngân hàng mạnh dạn đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ năm ngoái khi lãi suất còn ở mức 8-9%/năm đang thắng lớn. Tuy nhiên, như dân tài chính nhận xét, thời điểm đầu tư là quyết định, các tổ chức tín dụng năm nay mới “nhảy” vào trái phiếu có thể đã là muộn.
Cú rơi thẳng đứng, mang tính phá giá của trái phiếu từ tầm 6,5%/năm về 5,5-5,6%/năm (kỳ hạn hai năm) là hậu quả của việc dòng tiền chảy vào đây quá nhiều. Một số ngân hàng đã tận dụng sự ổn định của lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng (thường thấp hơn lãi suất trái phiếu khoảng 1%/năm) để kinh doanh hưởng chênh lệch. Họ vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để mua trái phiếu. Thí dụ ngày 21-4-2014 lãi suất liên ngân hàng ba tháng ở mức 3,61%/năm, trong khi cùng ngày lãi suất trúng thầu trái phiếu do kho bạc phát hành kỳ hạn một năm là 4,74%/năm. Tất nhiên ở đây có rủi ro về kỳ hạn khi ngân hàng phải liên tục gối đầu vay ba tháng liên ngân hàng vì kỳ hạn trái phiếu tới 12 tháng, hoặc dài hơn.
Hiện tại hầu hết các tổ chức tín dụng, kể cả ngân hàng nhỏ, đều có ít nhiều trái phiếu làm “của để dành”. Ở những ngân hàng cổ phần bậc trung, lượng trái phiếu nắm giữ không dưới 15.000-20.000 tỉ đồng/ngân hàng. Trong tay bốn “ông lớn”, tổng giá trị trái phiếu sở hữu tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Đã có một số ngân hàng cho khách hàng ruột vay với lãi suất 5%/năm, thì đầu tư trái phiếu với lãi suất 5,6%/năm không phải là lựa chọn tồi.
Tiềm lực mạnh, nắm giữ khối lượng lớn, rủi ro với các ngân hàng lớn khi kinh doanh trái phiếu được hạn chế khá nhiều. Một mặt họ có tỷ lệ không nhỏ trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, thậm chí 10 năm mua từ các năm trước với lãi suất cao, có thể gánh bớt giá vốn cho những khoản trái phiếu mới mua gần đây. Mặt khác, họ có thể đóng vai trò tạo lập thị trường, sử dụng cả tiền và trái phiếu đang có để nâng hoặc hạ lãi suất chung. Các ngân hàng nhỏ không thể làm thế. Những tổ chức đầu cơ, dùng nguồn vốn liên ngân hàng để kinh doanh trái phiếu, rất có thể rơi vào bẫy rủi ro khi lãi suất biến động bất ngờ.
Trước mắt, áp lực tăng lãi suất trái phiếu không phải không có. Khối lượng trái phiếu trúng thầu thấp hơn hẳn vừa qua cho thấy lãi suất có khả năng phải nhích lên. Trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu một tổ chức tín dụng dự đoán tới đây nguồn vốn cho trái phiếu có thể co lại do các ngân hàng nỗ lực phát triển tín dụng.
Theo NHNN, tín dụng đến ngày 22-4-2014 mới chỉ tăng 0,62% so với đầu năm trong khi tăng trưởng huy động vốn đạt 3,09%. Phân tích theo ngành, tín dụng cho bất động sản tăng cao nhất 3,95% so với đầu năm; nông nghiệp tăng 1,15%, xuất khẩu 1,14%; công nghiệp hỗ trợ 0,86% và doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,53%. Như vậy, dù đang tăng rất yếu, nhưng tín dụng lại chảy vào bất động sản nhiều nhất.
Ngoài ra NHNN đang yêu cầu các ngân hàng đưa tỷ lệ cho vay trên vốn huy động về mức 85%, tức huy động được 100 đồng, cho vay tối đa 85 đồng. Vốn đang thừa, có thể còn thừa thêm. Cộng với việc nhiều ngân hàng đã tỏ ra kiên quyết không hạ chuẩn cho vay dù đầu ra khó khăn, tín dụng có thể sẽ còn chật vật trong một vài tháng tới.
Sự dư dả đầu vào và thận trọng đầu ra sẽ dẫn tới việc các ngân hàng cân đối lại nguồn vốn bằng cách hạ lãi suất tiền gửi. Vốn vào ngân hàng vẫn tăng, chứng tỏ người dân và doanh nghiệp vẫn chưa muốn “bung tiền” ra làm ăn. Trần lãi suất 6%/năm chưa kích thích đầu tư kinh doanh, thì nó nên được điều chỉnh thêm.
Nỗi lo lãi suất tiền đồng thấp hơn làm dịch chuyển tiền đồng sang vàng, ngoại tệ đã phần nào dịu bớt. Sự ổn định của tỷ giá một thời gian dài và sự kém hấp dẫn của vàng đã và đang hỗ trợ tốt cho đồng nội tệ. Giới hạn cuối của lãi suất, do đó, nên chăng rút xuống 5%/năm thay cho 6%/năm hiện hành?
Cho đến khi lãi suất còn chịu áp lực giảm thêm, trái phiếu Chính phủ sẽ còn là kênh đầu tư “thuốc bổ”. Mức độ sử dụng thuốc sẽ là điều cần lưu ý vì thuốc bổ xài quá liều cũng độc hại, nhất là với những ngân hàng nhỏ đang ưu tiên giải quyết vấn đề sáp nhập, hợp nhất hơn là kinh doanh ổn định trong năm nay.
Hải lý
tbktsg
|