Thứ Năm, 15/05/2014 22:31

Nông nghiệp Việt Nam không thể “nhỏ và đẹp” mãi được

"Chúng ta luôn tự hào về cái 'nhỏ và đẹp' của nền nông nghiệp trong 30 năm qua khi nó luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Song đến nay, tình hình đã thay đổi, cái 'nhỏ và đẹp' đó đang cản trở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cản trở hàng nông sản thâm nhập sâu vào thị trường thế giới và do vậy nền nông nghiệp đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu toàn diện".

Đây là nhận định của ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) trong buổi hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” diễn ngày 15-5 tại Hà Nội.

Ngành nông nghiệp cần phải thay đổi để thâm nhập vào chuỗi giá trị ngành hàng thế giới

Thay đổi để tồn tại

Theo Bộ trưởng Phát, cách đây 30 năm nền nông nghiệp sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng ngày nay, nền nông nghiệp của nước ta đã là sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu và hội nhập mạnh mẽ với thị trường thế giới. Hơn nữa khi chúng ta tiếp tục đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại, thì nền nông nghiệp cùng với nhiều ngành hàng khác trong nền kinh tế phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước để tồn tại.

Bộ trưởng Phát cũng nhấn mạnh, tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp là một giải pháp thay đổi cục diện ngành nhưng tái cơ cấu nông nghiệp không phải là điều chỉnh nhỏ mà nó là một cuộc cách mạng, một sự chuyển đổi sang giai đoạn mới mà trước tiên là đổi mới trong nhận thức và cơ chế chính sách.

“Không phải tái cơ cấu là thay đổi giải pháp về mặt kỹ thuật mà cần có sự hỗ trợ trong chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, đất đai và lao dộng. Nhưng những chính sách này này bộ NNPTNT không thể làm được mà phải có sự hỗ trợ của bộ ngành liên quan” – ông Phát nói.

Cũng tại buổi hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình cho hay, trong bối cảnh Việt Nam hiện là thành viên của tổ chức WTO thì những phương thức sản xuất cũ như quy mô nhỏ bé, sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết đang cản trở sự tham gia của nông nghiệp nước nhà vào chuỗi cung ứng quốc tế. Đồng thời ông Bình nhấn mạnh - “Cần tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, liên kết sản xuất theo quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao, bền vững”.

Thực tế đã có nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên…và bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực. Song cần có những chính sách hỗ trợ để những mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa.

Tín dụng đặc biệt cho doanh nghiệp nông nghiệp

Ông Bình cho hay, vừa qua, NHNN, Bộ NNPTNT và Bộ Khoa học Công nghệ đã khảo sát và dự kiến lựa chọn 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…để thí điểm chương trình cho vay đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu…Dự kiến khoảng 2 năm sau khi kết thúc chương trình thí điểm, NHNN sẽ tổng kết và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho hay, chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ trong nông nghiệp này hướng vào hai nội dung: Giảm chi phí đầu vào cho sản xuất liên kết thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn thị trường); Tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết.

Theo ông Mạnh, chương trình thí điểm này có những đặc điểm như cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ nông dân, chẳng hạn cho vay doanh nghiệp để mua giống, vật tư nông nghiệp để tạm ứng cho nông dân sản xuất.

Hơn nữa, việc cho vay này sẽ tập trung và liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân từ đó kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình này có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm, cả về nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, tài sản đảm bảo so với điều kiện chung của thị trường.

“Vốn tín dụng là vốn của toàn bộ nền kinh tế và có hoàn trả. Như vậy đầu tư tín dụng phải đảm bảo an toàn hiệu quả. Nếu doanh nghiệp và nông dân liên kết theo đúng quy hoạch của bộ NNPTNT, sản xuất đủ lượng theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo truy suất nguồn gốc thì lúc đó vốn tín dụng mới mạnh dạn cho vay” – ông Mạnh nói.

Thùy Dung

tgktsg

Các tin tức khác

>   Yêu cầu doanh nghiệp xăng, dầu giữ giá bán (15/05/2014)

>   Dự thảo Luật Đầu tư: "Quy định quá chung, sẽ bị vô hiệu hóa" (15/05/2014)

>   Lo lắng hình ảnh môi trường đầu tư đang xấu đi (15/05/2014)

>   TP.HCM cam kết đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài (15/05/2014)

>   Toyota Việt Nam “cán đích” dẫn đầu số xe bán ra tháng Tư (15/05/2014)

>   Bán hàng đa cấp không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp (15/05/2014)

>   Hội chứng “nghiện dự án” (15/05/2014)

>   Hải quan sai sót, doanh nghiệp mất tiền tỉ (15/05/2014)

>   Doanh nghiệp Việt chỉ đầu tư 0,3% doanh thu để đổi mới công nghệ (15/05/2014)

>   Myanmar sẽ thúc đẩy lập công ty liên doanh thép với Việt Nam (14/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật