Thứ Năm, 15/05/2014 17:53

Dự thảo Luật Đầu tư: "Quy định quá chung, sẽ bị vô hiệu hóa"

Tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII tới đây, Quốc Hội sẽ dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 sau đó. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII về những đánh giá của ông về những nội dung mới tại Dự Luật Đầu tư (sửa đổi).

- Ông đánh giá thế nào về việc, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quyết định bãi bỏ hẳn yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tất cả các dự án (trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện).

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quyết định bãi bỏ hẳn yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tất cả các dự án, thay vào đó, chúng ta chỉ việc kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua Giấy phép kinh doanh của họ.

Theo tôi đây là điểm rất tích cực trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này, từ đó sẽ loại bỏ được những thủ tục phiền hà cũng như cơ chế xin cho, tạo điều kiện thuận lợi cũng như thời giảm thiểu thời gian, chi phí… cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng ta đã tạo ra được cơ hội bình đẳng trong cạnh tranh cũng như sự công bằng về điều kiện tiếp cận nguồn lực (vốn ODA, đất đai…) giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Quyền lợi và trách nhiệm như nhau chính là tiền đề phát triển của kinh tế thị trường.

- Sau hơn 8 năm thực thi, Luật Đầu tư đã nảy sinh các hạn chế và không còn phù hợp với những đòi hỏi cao hơn của quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như thực hiện cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư. Song với Dự thảo mới lần này, ông có cho rằng nó đã đủ “sức nặng” để thỏa mãn với những yêu cần của thực tiễn?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Thẳng thắn mà nói, Dự thảo Luật vẫn nằm trong dạng định hướng theo kiểu “khung ống” nhiều hơn, như vậy để thực hiện nó người ta sẽ phải vận dụng và dựa vào các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các quy định của bộ, ngành...

Như Dự thảo Luật quy định, nhà đầu tư được đầu tư trong tất cả các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm, được quyền tự chủ quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan, vậy các ngành, nghề bị cấm đầu tư thì không có.

Không chỉ nguyên tắc đầu tư, kể cả quyền tiếp cận ngoại tệ, hình thức đầu tư, lĩnh vực ưu đãi đầu tư… cũng phải làm rõ và cụ thể hơn nữa.

Khi những quy định chung quá, Luật sẽ không có khả năng thực thi và bị vô hiệu hóa. Luật muốn “sống được” trong đời sống thì cần phải giải quyết được 3 điểm, cụ thể hóa nội dung các quy định, các vấn đề quy định trong Luật phải rõ ràng, (như cái gì được làm, cái gì cấm, cái gì cần có điều kiện…), càng chi tiết thì khả năng thực thi càng cao. Bên cạnh đó, Luật phải gắn kết, phối hợp được với các chính sách đầu tư, thương mại, tài chính, ngân hàng…

- Theo Dự thảo Luật, thủ tục đầu tư ra nước ngoài sẽ được giảm thiểu khác biệt so với quy định hiện hành tại Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP, ông đánh giá thế nào về những ý kiến quan ngại nguồn lực trong nước sẽ dễ dàng chảy ra nước ngoài?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Theo Dự thảo, nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trừ các danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Trong khi Luật cũ có hẳn một điều khoản quy định điều kiện đầu tư ra nước ngoài, như phải có dự án đầu tư ra nước ngoài, được cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư… Do đó, sự đổi mới trên được coi là sự tiến bộ, phù hợp với tiến trình hội nhập thế giới cũng như tiếp cận thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt nam là nền kinh tế mới phát triển, nguồn lực tài chính còn yếu. Hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa nhiều, chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, khai thác khoáng sản, viễn thông và thị trường đầu tư chủ yếu là các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar…

Ngoài ra, hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng có một số ít xuất phát từ khu vực tư nhân, chủ yếu là nhằm nhập quốc tịch. Song, nguồn ngoại tệ “chảy” ra bên ngoài từ hoạt động đầu tư này không lớn lắm. Mục đích của họ chỉ là giải quyết các sinh hoạt cá nhân hoặc học tập kiến thức, kinh nghiệm từ thế giới… Nên, việc “chảy máu” ngoại tệ ra nước ngoài chúng ta vẫn có thể kiểm soát được và khống chế thông qua việc thực hiện các chế tài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Nguyễn

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Lo lắng hình ảnh môi trường đầu tư đang xấu đi (15/05/2014)

>   TP.HCM cam kết đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài (15/05/2014)

>   Toyota Việt Nam “cán đích” dẫn đầu số xe bán ra tháng Tư (15/05/2014)

>   Bán hàng đa cấp không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp (15/05/2014)

>   Hội chứng “nghiện dự án” (15/05/2014)

>   Hải quan sai sót, doanh nghiệp mất tiền tỉ (15/05/2014)

>   Doanh nghiệp Việt chỉ đầu tư 0,3% doanh thu để đổi mới công nghệ (15/05/2014)

>   Myanmar sẽ thúc đẩy lập công ty liên doanh thép với Việt Nam (14/05/2014)

>   Tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước tăng 100% (14/05/2014)

>   Thủ tướng: “Chính phủ sẽ làm hết sức để tăng tổng cầu” (14/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật