Mất cân đối nghiêm trọng trong chi – trả bảo hiểm
Quỹ Hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Chênh lệch tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) hàng năm có xu hướng tăng nhanh.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) Nguyễn Thị Hải Chuyền đưa ra tại buổi trình trước Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Nếu năm 2007, tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì năm 2011 là 77,0%; năm 2012 là 68,56% và ước năm 2013 là 76,6%.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do mất cân đối trong việc đóng - hưởng BHXH. Tỷ lệ đóng góp vào Quỹ Hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu. Từ năm 2012, tổng mức đóng góp của NLĐ và người SDLĐ là 20%, từ năm 2014 trở đi là 22%. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương, tiền công, trong khi, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế. Hơn nữa, tỷ lệ tính hưởng lương hưu của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%).
Mặt khác, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Năm 1996, có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 9,3 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu vào năm 2012. Cùng với đó, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài.
Để đảm bảo cân đối quỹ, Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu và nâng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội không đồng tình với đề nghị của Chính phủ, và cho rằng, cần nâng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Ngọc Thúy
công thương
|