Kinh tế Mỹ xuất hiện các dấu hiệu trái chiều về đà phục hồi
Trong các báo cáo gần đây, kinh tế Mỹ phát đi những dấu hiệu trái chiều về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Trong tháng 4/2014, thị trường nhà đất Mỹ đã có sự cải thiện, với số đơn xin cấp phép xây dựng tăng 8% lên 1,08 triệu đơn, chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2008, ghi dấu sự phục hồi sau mùa Đông khắc nghiệt. Thông tin này đã làm dấy lên hy vọng thị trường lao động sẽ đi vào ổn định.
Một tín hiệu tích cực khác là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới giảm kỷ lục và giá tiêu dùng tăng.
Cuối tuần qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần trước đã giảm 24.000 xuống 297.000, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2007.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4/2014 tăng 0,3%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2013. Trong đó, giá thực phẩm tăng tháng thứ 4 liên tiếp và giá xăng được đẩy lên cao hơn.
Nhà kinh tế Josh Feinman, thuộc Deutsche Asset & Wealth Management tại New York, nhận định kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý 2/2014, với những động lực chủ chốt của nền kinh tế được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn có những gam tối trong bức tranh kinh tế Mỹ. Trong tháng 5/2014, lòng tin tiêu dùng giảm, do những lo ngại về mức tăng thu nhập.
Chỉ số lòng tin tiêu dùng của Thomson Reuters/Đại học Michigan đã giảm xuống 81,8 so với mức 84,1 trong tháng Tư.
Thêm vào đó, sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 4/2014 đã giảm 0,6% (sau khi tăng 0,9% trong tháng 3/2014), mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2012.
Số liệu lạc quan về thị trường lao động và triển vọng lạm phát có thể tạo đà cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút giảm dần chương trình kích thích kinh tế. Song, theo các chuyên gia, cơ quan này sẽ chờ đến giữa năm 2015 để đánh giá tình hình kinh tế, trước khi tăng lãi suất./.
Trà My
vietnam+
|