Hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài: Mở rộng phạm vi đến đâu?
Qua thời gian áp dụng thí điểm triển khai hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam cho thấy việc mở rộng phạm vi áp dụng là cần thiết. Tuy nhiên mở rộng đến đâu và mở rộng như thế nào là vấn đề đang phải cân nhắc.
Những phương án mở rộng phạm vi hoàn thuế GTGT cho khách du lịch nước ngoài mà Tổng cục Hải quan đề xuất (áp dụng hoàn thuế GTGT tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu cảng biển quốc tế) đã nhận được sự đồng tình của Hải quan các tỉnh thành phố và các bộ, ngành liên quan. Hiện Tổng cục Hải quan đang tập hợp ý kiến và sẽ hoàn tất tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình này. |
Có nên thực hiện tại các sân bay quốc tế?
Thời gian qua, thí điểm áp dụng hoàn thuế mới chỉ áp dụng thực hiện tại 2 sân bay quốc tế là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Sau gần 2 năm triển khai thực hiện cho thấy, số lượng khách nước ngoài được hoàn thuế và số tiền thuế đã hoàn cho người nước ngoài đều tăng… Việc thực hiện hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài đã góp phần tăng tính cạnh tranh hàng hóa tại nước sở tại, tăng lượng khách du lịch, thúc đẩy XK hàng hoá của Việt Nam ra nước ngoài, quảng bá văn hoá dân tộc.
Mặt khác, người nước ngoài qua cửa khẩu sân bay quốc tế là xuất cảnh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong thời gian thực hiện thí điểm chưa phát hiện có tình trạng gian lận, đưa hàng hóa lòng vòng để tiếp tục hoàn thuế.
Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Hải quan, thực tế tần suất và loại hình khai thác các chuyến bay quốc tế tại các cảng hàng không quốc tế không đồng đều, có 4/7 cảng hàng không quốc tế có chuyến bay thương mại theo lịch thường xuyên (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng) và 3/7 cảng hàng không quốc tế có chuyến bay thương mại, phi thương mại không thường xuyên (Phú Bài, Phú Quốc, Cần Thơ), hiện chỉ có các chuyến bay quốc tế theo dạng thuê chuyến và theo mùa vụ.
Với thực tế này, để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư thực hiện hoàn thuế GTGT, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần xem xét, lựa chọn danh sách cụ thể cảng hàng không để thực hiện áp dụng hoàn thuế GTGT. Cụ thể, đối với 2 sân bay Hà Nội và Tân Sơn Nhất vẫn áp dụng như hiện hành. Đối với sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng sẽ triển khai trên cơ sở phối hợp với UBND tỉnh, thành phố và các bộ ngành liên quan khảo sát, đánh giá hiệu quả thực tế.
Chưa áp dụng tại cửa khẩu đường bộ
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 32/2005/NĐ-CP quy định về quy chế cửa khẩu, biên giới đất liền, thì: Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện, hàng hóa của Việt Nam, nước láng giềng và nước thứ 3 xuất, nhập qua biên giới quốc gia. Cửa khẩu chính được mở cho người, phương tiện, hàng hóa của Việt Nam và nước láng giềng xuất, nhập qua biên giới quốc gia.
Theo đó, nếu hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua các cửa khẩu chính thì chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp giữa Việt Nam và nước láng giềng xuất, nhập qua biên giới quốc gia. Như vậy, nguồn lực phân bố, bố trí tại cửa khẩu chính sẽ gây lãng phí và không hiệu quả, trong khi thực tế biên giới đất liền nước ta kéo dài hàng trăm km, địa hình phức tạp, nhiều lối mòn, lối mở, cánh gà, khu tập kết hàng hóa, chợ đầu mối… hơn nữa, hiện tình trạng buôn lậu tại cửa khẩu đường bộ nói chung diễn ra hết sức phức tạp, dễ dẫn đến gian lận trong hoàn thuế GTGT, hàng hóa quay vòng tại các cửa khẩu, khó quản lý.
Đồng thời, qua nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng hoàn thuế tại một số nước như: Úc, Singapore thì không áp dụng hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua các cửa khẩu chính.
Hơn thế nữa, hàng hóa NK dưới hình thức mua bán, trao đổi của cư dân biên giới đã được ưu đãi miễn thuế NK và các loại thuế khác với trị giá không quá 2 triệu đồng/1 người/ngày…
Từ những phân tích trên, theo Tổng cục Hải quan, việc mở rộng quy mô hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài khi mua hàng tại Việt Nam chưa áp dụng tại các cửa khẩu chính.
Mở rộng thêm tại cửa khẩu cảng biển quốc tế
Tổng cục Hải quan đưa ra phương án này dựa trên ý kiến của Hải quan một số địa phương cho rằng, cần mở rộng thêm việc hoàn thuế tại các cảng biển quốc tế, bởi lưu lượng khách nước ngoài tới và mang hàng hóa qua cửa khẩu này tương đối lớn.
Hiện nước ta có 31 cảng biển được phân loại thành 2 loại: loại I và loại II. Trên thực tế, chưa có cảng biển chuyên biệt đón tàu du lịch quốc tế, chỉ có một số cảng biển hiện đang đón tàu du lịch như: Cảng Khánh Hội/Nhà Rồng (TP.HCM), Cảng Cái Lân (Quảng Ninh), Cảng Hải Phòng (Hải Phòng), Cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch thì lưu lượng khách du lịch xuất nhập cảnh qua đường biển từ tháng 7-2012 đến hết tháng 12-2013 là 247.000 người, chiếm 2,3% tổng số lượng khách đến Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Hơn thế nữa, với chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta thì việc hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài cũng tạo điều kiện thu hút khách du lịch quốc tế qua đường biển.
Từ những phân tích trên, Tổng cục Hải quan đã đề xuất mở rộng áp dụng hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài xuất cảnh qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế theo nguyên tắc linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Việc lựa chọn cửa khẩu quốc tế sẽ dựa trên đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan khảo sát, đánh giá hiệu quả thực tế.
Thu Trang
Hải Quan
|