Đòi tài sản thế chấp quá khó
Để xử lý nợ xấu, nợ khó đòi, các ngân hàng phát mãi tài sản, bán đấu giá, kiện ra tòa án… nhưng quá trình mất rất nhiều thời gian, thủ tục nhiêu khê khiến “cục máu đông” nợ xấu vẫn còn.
Ngày 12-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM làm việc với các ngân hàng (NH) thương mại về tình hình hoạt động, thị trường tiền tệ, tín dụng. Trong đó, nợ xấu vẫn là một trong những khó khăn lớn cản trở quá trình tăng trưởng tín dụng, tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN).
Tại TP HCM, nợ xấu có xu hướng tăng so với đầu năm, từ mức 4,3% lên 4,85% nhưng việc xử lý tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ, giải quyết nợ xấu gặp rất nhiều khó khăn.
Theo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, tín dụng 4 tháng đầu năm tại TP tăng 1,27%, gấp đôi tăng trưởng tín dụng cả nước. Tuy nhiên, thị trường bất động sản (BĐS) khó khăn không chỉ tác động đến các khoản vay BĐS mà còn ảnh hưởng quá trình xử lý tài sản thế chấp bằng nhà đất để thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn.
Ông Vũ Ngọc Kình, Giám đốc Agribank Chi nhánh TP HCM, cho biết chưa bao giờ NH cảm thấy khó khăn như bây giờ. Huy động nhiều nhưng không cho vay được. Nếu các DN khó khăn được NH bơm vốn có thể sống hoặc chết nhưng rủi ro mất vốn là rất lớn. Thực tế vừa qua, những DN được Agribank cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 của NH Nhà nước có “sức khỏe” tốt lên không nhiều, các DN vướng vào BĐS chưa thể thoát ra được, vẫn trong vòng luẩn quẩn.
Về xử lý tài sản thế chấp, trong hợp đồng tín dụng ghi rõ NH được toàn quyền nhưng khách hàng không ký thì chẳng làm gì được. “Xử lý qua trung tâm đấu giá, mỗi lần xử lý, giá giảm 7% nhưng cả năm trời cũng không bán được. Vài năm nay, hồ sơ thu hồi nợ chuyển sang tòa án có khi 3 năm trời khách hàng không tới thì cả NH và tòa án đành bó tay” - ông Kình dẫn chứng.
Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết gần đây còn có hiện tượng NH khi nhận thế chấp thủ tục pháp lý rất đàng hoàng. Đến lúc thi hành án để đòi nợ, bỗng xuất hiện bên thứ ba mua bán giấy tay miếng đất của khách hàng và phát sinh tranh chấp. “NH lâm vào cảnh tranh chấp nhưng khi điều tra, chúng tôi phát hiện đây là hành vi bắt tay của khách hàng với bên thứ ba để kéo dài thời gian trả nợ” - ông Tùng bức xúc.
Liên quan vấn đề giải quyết phát mãi tài sản BĐS đang thế chấp tại các NH, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng cần rà lại pháp luật liên quan đến thương mại, các quy trình thủ tục, vấn đề định giá… một cách đồng bộ; phải tháo gỡ để tạo trách nhiệm rõ ràng, thông suốt mới nhanh chóng xử lý những tài sản này, đặc biệt là thủ tục xử lý đối với những người thế chấp tài sản, những con nợ không cộng tác.
Thái Phương
người lao động
|