Đại diện Viện kiểm sát 'bắt bài' bầu Kiên
Buổi sáng 30/5, đại diện VKS đã đối đáp lại phần bào chữa các luật sư của bị cáo để bảo vệ quan điểm truy tố của mình.
“B&B kê khai không đầy đủ để trốn thuế”
Đối với hành vi kinh doanh trái phép thông qua 5 cty, đại diện VKS cho rằng, theo Điều 9 của Luật DN, phải kinh doanh theo đúng ngành nghề đăng ký.
“Phải hiểu rằng, khi không có mã ngành nghề thì vẫn phải đăng ký kinh doanh. Việc bổ sung ngành nghề là của các cơ quan chức năng”, lời vị đại diện VKS.
BỊ cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa
|
Dù tại tòa và tại CQĐT, bị cáo cho rằng không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng. Cty Thiên Nam được kinh doanh sản phẩm tái sinh, Nguyễn Đức Kiên chỉ thực hiện thông báo lệnh đến ACB...
Về việc này, VKS đưa ra ý kiến: Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo cty Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ACB là trung gian, Thiên Nam không được NHNN cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Điều này được quy định tại Điều 2,3,4, quy định 03, ngày 8/1/2006 của thống đốc NHNN.
Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản của bị cáo Kiên là kinh doanh trái phép.
Đối với tội trốn thuế, VKS cho rằng: Công ty B&B không được kinh doanh vàng theo giấy phép. Nguyễn Thúy Hương là cá nhân, không được đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hương cũng không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định của Nhà nước.
Hương không giao dịch gì với ACB nhưng lại được hưởng 99% lợi nhuận (B&B được hưởng 1% lợi nhuận của hợp đồng ủy thác). Cty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của Hương thu được lợi nhuận hơn 68 tỷ đồng.
Cty B&B đã không kê khai nộp thuế cho Hương mà chuyển luôn tiền lợi nhuận cho Hương, sau đó Hương lại chuyển số tiền đó cho Kiên. Điều này vi phạm chi tiết Luật Thuế TNCN.
Năm 2009 và 2010 B&B đã kê khai nộp thuế nhưng không kê khai số thuế trên kinh doanh vàng phát sinh. Giám định Bộ Tài chính kết luận về hợp đồng kinh doanh vàng này với số thuế trên 25 tỷ đồng.
Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ là bà Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác với Nguyễn Thúy Hương (hợp đồng không hợp pháp) để trốn thuế 25 tỷ đồng.
Theo VKS, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Kiên đã chỉ đạo vợ ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái để chuyển lợi nhuận của B&B sang cho Hương, sau đó Hương chuyển lại số tiền cho Kiên. Hành vi của Kiên phạm tội Trốn thuế.
“Chuyển nhượng số cổ phiếu đã bị mang thế chấp”
Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đại diện VKS đối đáp: Tại tòa, bị cáo Kiên khai đã thỏa thuận với ông Trần Đình Long và bán lại 20 triệu cổ phần cho ông cty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Nguyễn Đức Kiên khai ông Long biết chuyện 20 triệu cổ phiếu bị thế chấp, có sự hoán đổi cổ phiếu nên Kiên không phạm tội lừa đảo.
Theo VKS, tại tòa ông Long và ông Dương vẫn khẳng định, khi đàm phán mua cổ phần chỉ đàm phán về giá cả, không biết 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp. Ở đây bị cáo Kiên đã có sự gian dối.
Việc này không liên quan đến việc hoán đổi cổ phiếu giữa ông Long và bị cáo Kiên. Ông Kiều Chí Công, giám đốc thép HP cũng khẳng định, khi ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phiếu, bên ông Kiên cam kết tính hợp pháp của 20 triệu cổ phiếu nên đã chuyển hợp đồng ký, đóng dấu.
Cty TNHH MTV thép HP đã chuyển trả hơn 26 tỷ cho phía ông Kiên, sau đó ông Công mới biết việc 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp nên đã có đơn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ sự việc và đòi lại số tiền trên.
Vẫn theo đại diện VKS, dù biết số cổ phiếu bị thế chấp nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên chuyển nhượng số cổ phiếu trên.
Cty TNHH MTV Thép HP trả cho ACBI hơn 24 tỷ đồng, số tiền này Kiên đã chỉ đạo nhân viên sử dụng.
Bị cáo Yến, Thanh phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình bởi: kế toán có quyền thực hiện độc lập chuyên môn kế toán; còn bị cáo Thanh đã làm không làm hết chức năng nhiệm vu của mình, khi ký hợp đồng không kiểm tra xem cổ phiếu đã được giải chấp chưa.
“Luật sư cho rằng Kiên không chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng của thép HP bởi số tiền này chuyển vào ACB, nhưng lợi nhuận của ACBI là có lợi nhuận của Kiên nên bị cáo phải chịu trách nhiệm... Bị cáo đã có các hành vi gian dối”, lời đại diện VKS.
Bảo vệ quan điểm truy tố các bị cáo tội Cố ý làm trái, đại diện VKS cho rằng: ACB đã không làm đúng trách nhiệm của mình.
Qúa trình gửi tiền của ACB là không đúng quy định và bị Huyền Như chiếm đoạt. Đó là mối quan hệ biện chứng nhân quả, việc truy tố hành vi này là có căn cứ.
VKS khẳng định, vụ Huyền Như được xem xét xử lý ở vụ án khác nên không đề cập đến việc ai phải trả lại số tiền này, chỉ khẳng định hậu quả số tiền bị chiếm đoạt.
“Việc tách vụ Huyền Như là đúng luật, luật sư cho rằng án chồng án là dùng đại ngôn, không phù hợp với hoạt động bình thường của cơ quan tố tụng”, lời vị đại diện VKS.
Đại diện VKS cũng cho biết, không chỉ viện dẫn công văn 350 để cáo buộc các bị cáo mà còn đánh giá các chứng cứ khác. Việc truy tố các bị cáo về tội Cố ý làm trái là có căn cứ.
VKS khẳng định vai trò chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên và cho rằng, nếu bị cáo này không đồng ý thì ý kiến của HĐQT cũng không được thông qua.
Đối với cáo buộc các bị cáo là đồng phạm, VKS khẳng định, hành vi của các bị cáo vì lợi ích nhóm, lợi ích ACB. Biết sai nhưng vẫn làm, cho nên ở đây có yếu tố đồng phạm.
Trong phần tranh luận, chiều 30/5, các luật sư tiếp tục đưa ý kiến về phần đối đáp nêu trên của VKS.
T.Nhung
vietnamnet
|