Cải thiện cán cân thương mại trong âu lo
Cán cân thương mại trong những tháng đầu năm 2014 tiếp tục được cải thiện đáng kể, tuy nhiên còn chất chứa nhiều lo ngại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I-2014, cán cân thương mại thặng dư khoảng 1 tỉ USD, trong đó tổng kim ngạch XK đạt 33,34 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kì năm trước. Tổng kim ngạch NK đạt khoảng 32,34 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kì năm 2013.
Nhiều đánh giá tích cực
Đánh giá về cán cân thương mại những tháng đầu năm 2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Trạng thái cán cân thương mại của nền kinh tế trong quý I-2014 hiện đang khá tốt. Việc xuất siêu khoảng 1 tỉ USD là cao nhất so với mức xuất siêu trong các quý I kể từ năm 2010 trở lại đây. Nếu tình trạng này được tiếp diễn, mục tiêu thâm hụt cán cân thương mại cho năm 2014 hoàn toàn đạt được, hơn nữa cán cân thương mại thặng dư cũng góp phần làm cho tỉ giá hối đoái ổn định.
Còn trong đánh giá gần đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng có những nhận xét tích cực cho hoạt động XK trong quý I-2014. Cơ quan này cho rằng: "XK của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng đột phá so với các nước trong khu vực ASEAN".
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cán cân thương mại của Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện trong năm 2014 nhờ những cơ hội mới (đi kèm cả thách thức mới) khi tiếp tục kí kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện có 12 nước tham gia đàm phán và Việt Nam có thể trở thành thành viên trong tương lai gần. Với mức độ tự do hóa sâu sắc và tổng quy mô kinh tế của các nước tham gia là rất lớn, TPP sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. XK và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 64 tỉ USD (khoảng 28,4%) và 36 tỉ USD (khoảng 10,5%) vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Bên cạnh đó là một loạt cơ hội khác từ các FTA khác của Việt Nam với EU, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan...
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam tháng 5-2014 do Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố, nhiều chỉ số kinh tế đang thể hiện lợi thế cho XK. Theo HSBC, từ năm 2001, XK của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm. Ngay cả khi môi trường tăng trưởng toàn cầu phát triển chậm chạp thì nhu cầu nước ngoài đối với các loại hàng hoá Việt Nam từ đầu năm 2014 đến nay cũng tăng 16,9%. Mới đây nhất, chỉ số các nhà sản xuất của Việt Nam (PMI) do HSBC khảo sát cũng tăng mạnh từ mức 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng 4-2014. Cũng theo nhận định của HSBC, sản lượng, đơn đặt hàng mới, đơn đặt hàng XK mới và việc làm đều tăng. Đơn đặt hàng XK mới đã tăng trong các tháng qua phản ánh nhu cầu từ Mỹ và các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang tăng lên. Sản lượng tăng mạnh trong quý I và sang cả quý II-2014 khi các giải pháp nhằm giảm hàng tồn kho trong những tháng đầu năm đã làm giảm đáng kể lượng hàng tồn kho.
Không bền vững
Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng xuất siêu 3 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,9 tỉ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,9 tỉ USD. Như vậy, xuất siêu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng gia công, lắp ráp luôn chiếm ưu thế như: điện thoại các loại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, hàng dệt may… và dự báo đây vẫn là xu hướng của hoạt động XNK trong năm 2014.
|
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Cán cân thương mại tiếp tục được cải thiện nhờ sự tăng trưởng tốt của XK đặc biệt là XK của khu vực FDI.
Trong khi đó, NK chưa phục hồi do nhu cầu trong nước yếu. Mặc dù có những tín hiệu tích cực nhưng khi phân tích sâu về cơ cấu mặt hàng và đối tác XNK vẫn có những điều phải lưu ý. Đối với XK, những tín hiệu tốt gồm tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá, cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng dần các sản phẩm công nghệ, hàng chế biến, giảm tỉ trọng của nhóm hàng thô. Tuy nhiên XK phụ thuộc vào khu vực FDI, về cơ bản khu vực trong nước vẫn nhập siêu. Các mặt hàng XK chủ yếu là gia công do đó để có được thành tích XK luôn cần phải gia tăng NK và giá trị gia tăng của XK mang lại không cao. Mặt khác sự áp đảo của khu vực FDI trong XK một mặt đem lại những tín hiệu mừng trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước; nhưng mặt khác cho thấy khu vực trong nước đang bị “lép vế”, giá trị XK chủ yếu do các DN nước ngoài hưởng.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam, trong những năm trước đây, thâm hụt cán cân thương mại luôn rất lớn và đây là nguyên nhân gây ra tâm lý bất an liên quan đến tỉ giá và biến động bất thường trên thị trường ngoại tệ, nhất là thị trường ngoại tệ phi chính thức. Trong 2 năm gần đây, thâm hụt cán cân thương mại giảm mạnh và thậm chí còn thặng dư nhẹ. Tuy nhiên, đây không phải là do chính sách thương mại được cải thiện hay do có sự thay đổi tích cực trong cấu trúc cán cân thương mại.
Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Thâm hụt cán cân thương mại giảm trong 2 năm qua chủ yếu là do nền kinh tế suy giảm, khu vực DN sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên NK giảm rất mạnh, vì thế mà cán cân thương mại được cải thiện. Cũng vì mối quan hệ này cho nên khi nền kinh tế hồi phục, cán cân thương mại có thể chuyển sang thâm hụt mạnh và tiếp tục gây nên cú sốc trên thị trường ngoại tệ. Vì thế chính sách thương mại cần có những thay đổi căn bản để có thể giảm thâm hụt cán cân thương mại bền vững, từ đó tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối và ổn định tỉ giá.
Lương Bằng
hải quan
|