Các nước xử lý thoái vốn ra sao?
Việc thoái vốn đầu tư vào DN tùy thuộc vào từng thời kỳ và mục tiêu của từng quốc gia. Tuy nhiên, các nước đều có điểm chung là Chính phủ thực hiện việc thoái vốn đầu tư vào các DN, tỷ lệ thoái vốn có thể 100% hoặc giảm tỷ lệ sở hữu trong những DN không cần đầu tư hoặc chuyển cho khu vực kinh tế tư nhân thực hiện trong những lĩnh vực Nhà nước không cần tham gia.
Thoái vốn có kiểm soát
Tại Pháp có thể thoái vốn ở các DN mà Nhà nước nắm giữ trực tiếp trên 20% vốn. Chính phủ ban hành các quy định về thẩm định giá trị DN và xác định giá trị phần vốn góp; các thỏa thuận về mặt pháp lý, tài chính và các điều kiện thanh toán; các điều kiện đảm bảo về lợi ích quốc gia; và các vấn đề về thuế trong giao dịch. Chính phủ ban hành Nghị định về thoái vốn ở các DN trong danh sách chỉ định, các DN thỏa mãn điều kiện (tổng số nhân viên của công ty mẹ và công ty con mà công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn, lớn hơn 1.000 người và doanh thu lớn hơn 150 triệu Euro ở kỳ kế toán gần nhất), sau đó Bộ trưởng Kinh tế sẽ ban hành các quyết định thực hiện nghiệp vụ thoái vốn.
Ủy ban thoái vốn được thành lập theo Nghị định của Chính phủ gồm 9 thành viên nhiệm kỳ 5 năm, không thuộc thành phần nhân sự cấp cao của DN thoái vốn và phía đối tác. Ủy ban có nhiệm vụ xác định giá trị DN được sẽ thoái vốn và tham mưu cho Bộ trưởng về kinh tế trong lựa chọn đối tác. Ủy ban chịu sự chỉ đạo của Bộ trưởng về kinh tế, Bộ trưởng sẽ quyết định giá trị của DN với điều kiện không được thấp hơn so với ý kiến đề xuất của Ủy ban trong thời hạn 30 ngày, đồng thời quyết định đối tác bán vốn.
Kinh nghiệm ở Thụy Điển là Chính phủ rút vốn/giảm tỷ lệ sở hữu tùy thuộc vào tình hình kinh tế từng thời kỳ. Ví dụ năm 2011, Chính phủ giảm tỷ lệ sở hữu tại 3 DN Nordea, SAS và Bilprovningen thông qua việc bán cổ phần nhằm tự do hóa cạnh tranh đối với các DN cùng ngành, đồng thời dùng tiền này để bù đắp các khoản nợ công.
Bộ Ngân khố Ba Lan là cơ quan xây dựng kế hoạch tư nhân hóa/bán bớt vốn Nhà nước tại DN, kế hoạch này được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt và có sự thông qua của Chính phủ theo từng giai đoạn. Kế hoạch tư nhân hóa bao gồm mục tiêu tư nhân hóa và danh sách các ngành nghề và DN sẽ tiến hành tư nhân hóa/bán cổ phần. Kế hoạch tư nhân hóa giai đoạn 2012 - 2013, Ba Lan sẽ thực hiện tư nhân hóa đối với 279 DN thuộc sự kiểm soát của Bộ Ngân khố, 15 DN thuộc Bộ Quốc phòng, 4 DN thuộc Bộ Kinh tế và 2 DN thuộc Bộ Giao thông, Xây dựng và Hàng hải. Bộ Ngân khố Ba Lan dự kiến bán phần vốn tại 85% số DN dưới sự kiểm soát của mình. Sự tham gia của Bộ Ngân khố tại các DN khác vẫn được duy trì - có cổ phần/vốn góp chi phối hoặc cổ phần/vốn góp đảm bảo quyền quản trị DN (gồm các DN thuộc các lĩnh vực như năng lượng, tài chính và quốc phòng).
Tại Singapore, đối với các DN Temasek đầu tư (Temasek – linked – companies - TLCs) mà Temasek có cổ phần hơn 50% thì việc thoái vốn phải được Báo cáo Bộ Tài chính và có sự thông qua của Chính phủ. Chính phủ sẽ quyết định tiếp tục nắm giữ (100%) hay duy trì cổ phần đa số/đáng kể (>50%) đối với các TLCs mang tính chiến lược và cốt lõi/cơ bản đối với Singapore như hàng không, cảng biển, mạng lưới điện, hoặc những DN có hoạt động chiến lược và có tiềm năng toàn cầu/khu vực. Trong khi đó, với các DN công và các TLCs có cổ phần nhỏ hơn 50%, Chính phủ quyết định giảm cổ phần/thoái vốn (có kiểm soát) đối với những DN không còn liên quan đến các mục tiêu của Chính phủ hay Temasek. Ví dụ: Khi thị trường điện của Singapore phát triển, Chính phủ đã quyết định giảm vốn tại các công ty sản xuất điện như Power Seraya, Power Senoko và Tuas Power…
Kế hoạch thoái vốn/ tư nhân hoá hàng năm của Indonesia cũng phải được sự phê chuẩn của Tổng thống.
Sẽ quy định thoái vốn trong Luật
Trong quy định cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN tại dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại DN do Bộ Tài chính soạn thảo đã quy định cụ thể 3 hình thức cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN, gồm: chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại DN, chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại DN khác và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN.
Riêng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là nội dung mới so với các quy định hiện hành, do đó, dự án Luật đã cụ thể hóa nội dung về nguyên tắc chuyển giao như việc chuyển giao không làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành sản xuất, kinh doanh chính của DN, đảm bảo khả năng và nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đối với chủ nợ của DN; các trường hợp chuyển giao được thực hiện giữa các Cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN, hoặc về DN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và ngược lại.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho biết, đối với việc cơ cấu vốn, thoái vốn hay xử lý thoái vốn, trong Luật thể hiện ở quy định về cơ cấu lại vốn. Cơ cấu lại vốn đưa ra các biện pháp, cơ cấu lại vốn gắn liền với tái cơ cấu sẽ làm cụ thể hơn vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao vốn và các nguyên tắc bán vốn, chuyển nhượng vốn sẽ được quy định Luật hóa để đảm bảo khung khổ pháp lý giúp DN thực hiện.
Trong đó có trường hợp liên quan đến quy định thoái vốn có thể thấp hơn giá trị sổ sách thì cách thức xử lý như thế nào. “Trong Luật cũng đưa ra nguyên tắc nếu khi DN thực hiện hết các biện pháp trích lập dự phòng, phòng ngừa rủi ro, nếu giá trên thị trường thấp xuống thì chủ sở hữu sẽ là người quyết định. Chủ sở hữu theo thẩm quyền phân cấp trong Luật quy định cấp cao nhất là Chính phủ. Khi quy định thành Luật thì việc thực thi đảm bảo hơn!”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.
Từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường. Tổng số vốn phải thoái là 21.797 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2013 mới thoái được hơn 4 nghìn tỷ đồng, bằng 19% số vốn phải thoái. |
Minh Anh
hải quan
|