Vì sao tuyến đường sắt trên cao đội vốn 399 triệu USD?
Chậm GPMB, Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, bổ sung thêm một số hạng mục, phát sinh điều chỉnh… đã khiến cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đội vốn 339 triệu USD.
Bị động và chậm GPMB!
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông thời gian triển khai ban đầu dự kiến (8/2008 đến 11/2013) có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.
Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị-xây lắp, vận hành).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án trên đã vướng mắc về GPMB và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của Ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ đã làm tuyến đường sắt “đội vốn” đầu tư.
Công tác GPMB dự án đường sắt trên cao rất khó khăn, nhà thầu thiếu kinh nghiệm... là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc dự án phải điều chỉnh tăng vốn.
|
Bộ GTVT cho biết, công tác GPMB dự án rất khó khăn và phức tạp trong thời gian qua, mặc dù có sự đôn đốc thường xuyên của Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội, nhưng đến nay công tác di dời đường điện, các hộ dân nơi tuyến đường sắt đi qua vẫn chưa hoàn thành.
Cụ thể, tuyến đường sắt này vẫn còn vướng 3/13 km chính tuyến và 0,8/1,7km đường ra vào khu Depot (nhà ga) do đường điện dài 1,5km “chắn” dự án, hơn 100 hộ dân “ngâm” mặt bằng và chưa chịu bàn giao…
Hơn nữa, tiến độ thi công trên tuyến của dự án cũng bị “giãn” bởi công tác xin cấp phép thi công thường kéo dài và cấp cho từng đoạn nhỏ lẻ đôi khi còn cấp cho từng trụ có khi cũng thường mất tới 2-3 tháng; trong quá trình thi công vẫn còn sót lại nhiều công trình ngầm, nhà thầu phải dừng thi công để chờ xử lý, nhiều trường hợp mất từ 1-2 tháng.
Chậm trễ trong thực hiện khiến chi phí GPMB đã đội từ 37,57 triệu USD (theo Quyết định số 635 Bộ GTVT năm 2009) lên 62,63 triệu USD, tăng 25,06 triệu USD.
Ngoài ra, Tổng thầu kiểm soát các thầu phụ thi công không chặt chẽ, còn phụ thuộc nhiều vào Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát, công tác lập trình duyệt thiết kế bảo vệ thi công và biện pháp thi công chi tiết còn chậm trễ…
Sẽ quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân?
Sau 5 năm thi công, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án sẽ không thể dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu.
Thay vào đó, để hoàn thành 13,05 km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được 100.000 lượt khách/ngày đêm sẽ cần thêm 339 triệu USD.
Trong đó, các khoản phát sinh lớn nhất tại dự án là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD), chi phí GPMB (tăng 25 triệu USD)…
Lý giải cho việc “đội” vốn, đại diện Cục Đường sắt VN đưa ra 3 nhóm nguyên nhân đẩy chi phí dự án tăng cao, gồm điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở (thay đổi phương án nhà ga, thay vật liệu vỏ tàu…); biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và GPMB kéo dài…
Chỉ tính riêng gói thầu chính số 1 (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp), Tổng thầu EPC đã có văn bản số 1340/2013/CRSG/HNHĐ về việc đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư phát sinh thêm khoảng gần 260 triệu USD (chưa bao gồm chi phí dự phòng 25,8 triệu USD).
Cụ thể, nhà ga từ 2 tầng được nâng lên 3 tầng để thêm phòng chức năng tại tầng 2, nhằm giảm thiểu khối lượng GPMB và để mỗi nhà ga có thêm cầu vượt cho người đi bộ. Việc điều chỉnh này giúp giảm được 43 triệu USD chi phí GPMB nhưng lại khiến tổng chi phí tăng 84 triệu USD (mức tăng do trượt giá và thay đổi quy mô).
Khu vực Depot tại quận Hà Đông có nền đất yếu ở độ sâu từ 2 m đến 3 m, song tư vấn lập dự án là TEDI đã không đề xuất phương án xử lý. Khi triển khai thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã kiến nghị phải xử lý để đảm bảo chất lượng công trình với chi phí là 13 triệu USD. Hoặc do các thay đổi biến động giá, chế độ, chính sách cũng như khối lượng đơn giá mà trong thiết kế cơ sở chưa tính chính xác nên cần bổ sung khoảng 95 triệu USD…
Dựa trên cơ sở rà soát tính toán của Cục Đường sắt và Tư vấn thẩm tra (TEDI), Bộ GTVT cũng đã có kiến nghị Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án điểu chỉnh vốn lên tới 891 triệu USD (tăng 70% so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đó), đẩy chi phí bình quân đầu tư 1 km đường sắt đô thị của tuyến Cát Linh-Hà Đông lên 68,5 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, số vốn tăng thêm này sẽ bổ sung từ vốn ODA của Trung Quốc. Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đàm phán với phía Trung Quốc để vay thêm.
Liên quan đến chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, ôngTrường, khẳng định Bộ sẽ nhờ Kiểm toán Nhà nước đánh giá toàn bộ quy trình thực hiện dự án, căn cứ từng hạng mục cụ thể làm rõ, yêu cầu các bên liên quan giải trình, từ đó quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân.
Vũ Điệp
Vietnamnet
|