Vụ án “sản xuất vàng giả” ở Đồng Tháp: Nhiều “khuất tất”
Cuối ngày 15.4, TAND huyện Lấp Vò tiếp tục hoãn phiên xét xử Nguyễn Hữu Thanh (SN 1985, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang) can tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Đây là lần thứ 3 phiên toà tạm hoãn do có nhiều “khuất tất” về chứng cứ buộc tội.
Nguyễn Hữu Thanh tại phiên toà ngày 15.4.
|
Chứng cứ “mờ ảo”
Tóm tắt vụ án: Ngày 9.8.2012, Nguyễn Thanh Tùng (SN 1979, xã Long Giang, huyện Chợ Mới) mang 1 nhẫn vàng hiệu “MQ75” đến tiệm vàng Đức An (xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) cầm với giá 3 triệu đồng. Bùi Thị Vân Hồng phát hiện là vàng giả nên truy hô bắt, thu giữ 1 nhẫn kim loại màu vàng có gắn hột đá và nhẫn có đóng ký hiệu “MQ75”. Tùng khai mua nhẫn của Nguyễn Hữu Thanh (SN 1985, xã Long Điền B) sản xuất từ mẫu nhẫn vàng “MQ75” do chính Tùng mua tại tiệm vàng Đức Hoà (thị trấn Lấp Vò). Cùng ngày, Công an (CA) Lấp Vò tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nhà của Thanh, thu giữ: 12 mũi chỉ tên, mũi dấu và 1 nhẫn hiệu M.TR70%, 1 nhẫn hiệu “MQ75”.
Sau đó, 17 chủ tiệm vàng ở Lấp Vò mang 96 chiếc nhẫn có ký hiệu “MQ75” (mẫu của tiệm vàng Mai Quyên - TPHCM) cùng các biên nhận đã cầm, mua bán trước đó cho CA Lấp Vò. Kết quả giám định: Hình dấu chìm nội dung “MQ75” in trên 96 chiếc nhẫn kim loại màu vàng này là được đóng ra từ các mũi dấu đã thu ở nhà Thanh và 96 chiếc nhẫn này có chất lượng vàng từ 20 đến gần 30%. Từ đó, Viện KSND Lấp Vò cáo buộc Thanh sản xuất 99 chiếc nhẫn có hàm lượng vàng dưới 8kr đóng giả hiệu Mai Quyên, bán thu lợi 179,93 triệu đồng nên truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Dù TAND Lấp Vò đã 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, thời gian tạm giam Thanh lên đến 568 ngày và đã 2 lần tạm hoãn phiên tòa trước đó (ngày 25.11.2013 và ngày 14.12.2013), nhưng vụ án vẫn chưa xét xử được. Nguyên nhân chủ yếu là các chứng cứ buộc tội “mờ ảo”. Điển hình là chuyện tang vật vụ án. Ngày 10.08.2012, CA Lấp Vò thu giữ 12 chỉ dấu tại nhà Thanh và ngày 15.08.2013 Nguyễn Minh Trị - đại diện CA Lấp Vò - bàn giao cho ông Võ Cường Nhân (Giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự, CA Đồng Tháp) giám định.
Đến ngày 18.8.2012 nơi đây mới bàn giao lại cho Cơ quan điều tra CA Lấp Vò (không được niêm phong). Thế nhưng, ngày 16.08.2012, Nguyễn Huỳnh Sang - đại diện CA Lấp Vò - lại tiếp tục bàn giao 12 chỉ dấu cho Nguyễn Văn Minh (Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự, CA Đồng Tháp). Như vậy trong vụ án này có đến 24 chỉ dấu (gấp đôi so với tang vật thu tại nhà Thanh). Do đó, việc CA Lấp Vò dùng 12 chỉ dấu nào đó (không rõ nguồn gốc) để giám định 96 chiếc nhẫn có đóng dấu “MQ 75” là thiếu khách quan.
Kết tội “vội vàng”?
Tại phiên toà, Thanh khẳng định chỉ sản xuất và bán 2 nhẫn theo yêu cầu của Tùng, nhưng Cáo trạng số 09/KSĐT-KT ngày 24.01.2014 của Viện KSND Lấp Vò lại truy tố Thanh sản xuất 99 nhẫn, hưởng lợi bất chính 179,93 triệu đồng.
Thực tế chứng minh lời kết tội thiếu chính xác. Bởi theo cáo trạng, trước đó có 1 nhẫn đã bị tiệm vàng Ngọc Loan nghi giả nên đốt thành cục và 2 chiếc Tùng cầm tại TP.Sa Đéc không thu hồi được và chưa biết đóng dấu ký hiệu gì. Mặt khác, việc dựa vào kết quả giám định hàm lượng và định giá vàng của Xí nghiệp Chế tác kim hoàn (thuộc Cty TNHH MTV Vàng bạc đá quý TPHCM) là chưa đúng theo quy định pháp luật hiện hành. Bởi theo Pháp lệnh Giám Định tư pháp chỉ có Viện Khoa học hình sự (Bộ CA), phòng kỹ thuật hình sự thuộc CA tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổ chức kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) mới có chức năng này.
Ngoài ra, việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải do hội đồng định giá cùng cấp tiến hành. Trong trường hợp này, Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò thành lập và việc định giá phải “phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm”. Quan trọng hơn, mãi đến nay việc buộc tội Thanh đã sản xuất, bán 99 nhẫn chưa thuyết phục: Không chứng minh được Thanh đã thực hiện việc mua bán với những ai ngoài Tùng mà chủ yếu dựa vào kết quả giám định không đúng trình tự tố tụng hình sự quy định.
Lục Tùng
lao động
|