Thứ Tư, 09/04/2014 09:00

Vận tải biển Trung Quốc trước nguy cơ phá sản

Liên tiếp 3 năm qua, các công ty vận tải biển ở Trung Quốc bị những chuyên gia kinh tế liệt vào danh sách các ngành có nguy cơ phá sản. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận nguy cơ phá sản của ngành này.

Vận tải biển Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phá sản

Lỗ chồng lỗ

Từ năm 2010 tới nay, các công ty vận tải biển ở Trung Quốc luôn phải đối mặt với rủi ro về tài chính. Các hãng vận tải lớn lần lượt báo lỗ hoặc lãi không đáng kể trong 3 năm liên tiếp. Toàn bộ 41 hãng vận tải biển ở Hà Bắc và 55 công ty ở Sơn Đông đều thua lỗ trong năm 2013. Tình hình kinh doanh của các công ty Nhà nước cũng không khá hơn. Hãng vận tải biển Chang Jiang Shipping Group Phoenix đang vướng vào vụ kiện nợ tới 2 tỷ NDT (325,7 triệu USD) với các ngân hàng. Một số tài sản của hãng này đã bị đóng băng. Chỉ trong nửa đầu năm 2013, công ty này thua lỗ 360 triệu NDT (58,6 triệu USD). China Shipping Container Lines Co. - Công ty vận tải container đường biển do Nhà nước nắm đa số cổ phần cũng báo cáo mức lỗ ròng 2,6 tỷ NDT (420 triệu USD) trong năm 2013.

Trước đó, China Cosco Holdings - Tập đoàn vận tải biển lớn nhất của Trung Quốc, báo lỗ hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2012, khiến những nhà phân tích cũng phải cảm thấy bất ngờ. Theo Wall Street Journal, năm 2012, Cosco công bố mức lỗ ròng 9,56 tỷ NDT, (1,54 tỷ USD). Trong năm 2011, “đại gia” này đã lỗ 10,45 tỷ NDT. Theo Cosco, nguyên nhân của sự thua lỗ này là do thị trường vận tải biển Trung Quốc suy yếu và chi phí nhiên liệu tăng cao. Đặc biệt, China Shipping Development - Công ty vận tải biển lớn thứ hai Trung Quốc trong báo cáo quý I/2013 đã báo lỗ tới 490 triệu NDT. Việc thua lỗ khiến China Shipping Development phải tìm cách ngừng nhận tàu.

Mịt mờ lối ra

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của các hãng vận tải biển ở Trung Quốc, ông Ralph Leszczynski, chuyên viên nghiên cứu thuộc Công ty Dịch vụ vận tải biển Banchero Costa cho rằng: “Đây là hệ quả của việc, vào thời điểm hưng thịnh của ngành vận tải biển, các chủ tàu (bao gồm cả quốc doanh và tư nhân) mua nhiều tàu đắt tiền. Họ phải ra sức để thu hồi vốn. Do đó, thua lỗ là điều khó tránh khỏi”. Ông Lou Jiwei - Chủ tịch Quỹ đầu tư toàn quyền Trung Quốc nhận xét: “Việc cắt lỗ bằng cách mua tàu mới giống như việc xử lý các bong bóng bằng cách tạo ra thêm nhiều bong bóng”. Câu nói này có vẻ đang đúng với vận tải biển.

Để cứu vãn tình hình, Giám đốc điều hành các công ty đã đề nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp nhằm khôi phục cân bằng cung - cầu, tránh phá sản quy mô lớn. Tháng 5/2013, các đại diện của ngành công nghiệp này đề nghị cấm các tàu vận tải quốc tế trọng tải trên 80.000 tấn và có tuổi đời hơn 20 năm, cũng như các tàu trọng tải dưới 80.000 tấn nhưng tuổi đời hơn 23 năm tại cảng biển Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị cấm các tàu tuổi đời trên 15 năm tới Trung Quốc. Tuy nhiên, các đề xuất này tới nay vẫn chưa được thực hiện.

Một trong những giải pháp có bước đột phá cho ngành vận tải biển là nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài. Việc này sẽ được thực hiện khi Khu thương mại tự do (FTZ) Shanghai nhận được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Bởi theo quy định hiện hành, một công ty nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh vận tải biển quốc tế ở Trung Quốc, công ty đó sẽ phải thông qua một liên doanh hạn chế và nắm giữ tối đa 49% cổ phần. Ngoài ra, tàu mang cờ nước ngoài không được phép kinh doanh vận tải biển nội địa.

Thùy Linh

Báo Giao thông vận tải

Các tin tức khác

>   Samsung dự báo giảm lợi nhuận (08/04/2014)

>   Singapore điều tra 11 công ty giao nhận về ấn định giá (08/04/2014)

>   Hãng HTC vẫn bị lỗ quý dù tăng doanh thu tháng 3 (08/04/2014)

>   Nga cấm nhập các sản phẩm sữa của 6 công ty Ukraine (08/04/2014)

>   Peugeot và Citroen báo lỗi hơn 130.000 xe ở Brazil (06/04/2014)

>   Các tập đoàn lớn ở châu Âu tiếp tục xu thế sáp nhập (06/04/2014)

>   Hai hãng xi măng lớn nhất thế giới chuẩn bị sáp nhập (06/04/2014)

>   Ngành dịch vụ và chế tạo của Anh có dấu hiệu giảm tốc (05/04/2014)

>   Ngành dầu khí Anh có thể tạo ra tới 39.000 việc làm (04/04/2014)

>   Tập đoàn kiểm toán PwC mua công ty tư vấn Booz (04/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật