Trung Quốc: Các biến số kinh tế - chính trị
Nền kinh tế chững lại; chống tham nhũng vẫn khó hiệu quả nếu không đi cùng cải cách.
Những tin tức gần đây về tình hình kinh tế, xã hội của Trung Quốc khiến giới quan sát quốc tế quan tâm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khởi đầu năm 2014 khá chật vật trong bối cảnh sản lượng công nghiệp và xuất khẩu đều tăng trưởng yếu trong ba tháng đầu năm, trong khi đồng nhân dân tệ giảm giá. Ban lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện những cải tổ sâu rộng cơ chế quyền lực, đối phó với tham nhũng và những bất an trong xã hội, nhưng vẫn cần chờ kết quả.
Những năm tháng tăng trưởng dễ dàng đã kết thúc
Tạp chí Đại Tây Dương (Pháp) đăng bài của Pierre Sabatier, nhà hoạch định chính sách của Pháp, cho rằng tình hình kinh tế lộn xộn hiện nay ở Trung Quốc có tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế thế giới. Tác giả cho rằng kinh tế Trung Quốc chững lại không phải vì lý do tình thế mà do vấn đề cơ cấu. Chỉ số thị trường chứng khoán liên tục giảm kể từ mùa hè năm 2009 đến nay. Và tình hình cho thấy chính người Trung Quốc tỏ ra hoài nghi về khả năng thay đổi của nước mình.
Một trong những chỉ số gây bất ngờ nhất là đồng nhân dân tệ mất giá trong khi đồng tiền này được hỗ trợ một cách giả tạo. Từ tháng 2/2014 tới nay, tỉ giá đồng NDT so với đồng USD bắt đầu xuất hiện xu thế giảm, thay đổi hoàn toàn tình trạng đồng NDT chỉ tăng giá diễn ra trong hơn 6 tháng trước, làm giảm không gian trục lợi của dòng tiền nóng xuyên biên giới. Một khi dòng tiền nóng rút mạnh khỏi Trung Quốc, đà giảm của đồng NDT có thể sẽ nhanh hơn.
Nhiều chuyên gia trong ngành quản lý tiền tệ đang đặt cược vào khả năng trong ngắn hạn, Bắc Kinh sẽ ủng hộ hoặc dẫn dắt đồng NDT phá giá một cách ôn hòa. Thông qua quyết định nới rộng biên độ dao động của đồng NDT, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc muốn đưa ra tín hiệu cho các nhà đầu cơ rằng họ không nên kỳ vọng vào việc đồng NDT chỉ đi theo hướng tăng giá, mà từ nay trở đi, đồng NDT sẽ dao động theo cả hai hướng tăng và giảm.
Nhiều người cho rằng có thể nổ ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc. Theo Pierre Sabatier, tỷ lệ đầu tư ở Trung Quốc vẫn rất cao so với mức tăng trưởng khoảng 7%. Đầu tư chủ yếu vẫn được rót vào lĩnh vực hạ tầng vốn không sinh lời. Ngân hàng tài trợ cho các dự án được lựa chọn không phải vì chúng có khả năng thanh toán, mà do chính quyền gây áp lực để tạo ra tăng trưởng cần thiết. Trong khi đó tiêu thụ của các hộ gia đình Trung Quốc lại chưa đủ lớn để làm một chiếc cầu nối có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế, vì tại Trung Quốc, lượng tiền lương chỉ chiếm 40% GDP trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này vào khoảng trên dưới 60%. Doanh nghiệp Trung Quốc không có phương tiện để trả lương cao hơn cho người làm của mình.
Ký họa của International New York Times
|
Các biến số đối với ổn định thể chế chính trị
Tháng 3 vừa rồi đánh dấu một năm ông Tập Cận Bình được trao toàn quyền lãnh đạo tối cao Đảng, Nhà nước và quân đội. Cho đến nay ông đã đứng đầu 10 cơ cấu lãnh đạo, trong đó đảm nhiệm 6 chức Tổ trưởng tổ lãnh đạo trung ương, hình thành hiện tượng “trị quốc thông qua Tổ lãnh đạo”. Theo giới quan sát, việc các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đồng thời kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo nhiều cơ cấu khác nhau tuy thuận tiện cho việc thực thi quyền lực, nhưng có thể mang tới biến số đối với sự ổn định của thể chế chính trị Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền điều hành khi đất nước Trung Quốc tồn tại nhiều nguy cơ chồng chất như tâm lý bất mãn của quần chúng nhân dân ngày một lên cao, hiện tượng tham nhũng lan rộng, xã hội bất công và môi trường bị phá hỏng...
Ông Tập Cận Bình phải đối mặt với cả việc điều chỉnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức thấp hơn trong khi vẫn phải tiến hành các cuộc cải cách để có thể gia tăng những tiềm năng trong tương lai. Gói cải cách kinh tế được công bố vào giữa tháng 11/2013 cho đến nay vẫn mơ hồ và thiếu thời gian biểu cụ thể. Hiện vẫn khó có thể xác định chính xác chương trình nghị sự kinh tế mở rộng hơn. Dường như có ít sự thay đổi trong những lĩnh vực chủ chốt do các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thống trị.
Chiến dịch chống tham nhũng được lòng dân nhưng không kém phần mạo hiểm. Chiến lược này sẽ khó thực hiện, một phần vì vấn nạn tham nhũng đã ở quy mô rất lớn. Mặt khác một chiến dịch chống tham nhũng nhằm mục tiêu vào số lượng lớn quan chức Trung Quốc sẽ dẫn đến kết quả cô lập, bất đồng và chia rẽ trong giới cầm quyền. Thật khó mà tồn tại nếu cố gắng tìm cách để buộc các quan chức công bố tài sản, điều sẽ làm lộ ra sự giàu có của nhiều quan chức cấp cao và các doanh nghiệp nhà nước.
Phát biểu trước Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) ngày 22/1 năm nay, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong chống tham nhũng phải “diệt cả hổ lớn lẫn ruồi nhỏ”. “Hổ” là chỉ vào trường hợp Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Việc đưa cựu đồng sự ra tòa có thể phá hỏng sự gắn kết trong giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc; nhưng nếu không truy cứu, sẽ xói mòn niềm tin đối với chiến dịch chống tham nhũng.
Theo báo cáo thường niên của CCDI, trong năm 2013 đã có kỷ lục mới về số lượng quan chức bị kỷ luật, với hơn 180.000 người, tăng hơn 13% so với năm 2012. Tuy nhiên, báo Les Echos (Pháp) cho rằng khó có thể đánh giá được kết quả; vì cho đến nay “ruồi muỗi thì bị đập chết, còn những con hổ thì vẫn ẩn náu an toàn”.
Ông Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng muốn tấn công mạng lưới tham nhũng không chỉ cần quyền lực cá nhân, mà còn cần tiến hành cải cách. Nếu cải cách không bắt kịp rất có khả năng sẽ gây ra hiệu quả hoàn toàn ngược lại, các thành viên Chính phủ, Đảng sẽ vì việc này mà xa lánh ông Tập Cận Bình./.
Hoài Nam
tổ quốc
|