Thứ Bảy, 05/04/2014 16:22

Tăng thu, tiết kiệm chi để giảm dần bội chi ngân sách

Trong điều kiện nước ta hiện nay, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn cần thiết do nhu cầu tăng chi ở mức cao, trong khi thu NSNN chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, an sinh xã hội, cải cách tiền lương và nghĩa vụ trả nợ...

Quốc hội đã quyết định nâng trần bội chi năm 2014 lên 5,3% để chi cho đầu tư phát triển. Ảnh Internet.

Đó là ý kiến của Bộ Tài chính trước lo ngại về vấn đề thâm hụt NSNN kéo dài nhiều năm qua, nhưng chưa cải thiện trong khi tỷ lệ thu thuế, phí còn cao so với các nước khác trong khu vực.

Tỷ lệ động viên vào ngân sách ở mức trung bình

Bộ Tài chính cho biết, ngoài các nhu cầu chi thường xuyên nêu trên, còn cần thiết cho chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình không có khả năng thu hồi vốn phải cân đối chủ yếu từ nguồn bội chi NSNN (đi vay) và huy động trái phiếu Chính phủ, nên nhu cầu tăng chi ngân sách cao là tất yếu.

Thời gian qua, thâm hụt NSNN cơ bản được duy trì ở mức trên, dưới 5% GDP. Bình quân giai đoạn 2001-2005 là 4,9% GDP. Giai đoạn 2006-2010, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, để tăng nguồn lực thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đã phải bội chi ngân sách ở mức cao hơn, bình quân giai đoạn này là 5,1% GDP.

Giai đoạn 5 năm 2011-2015, mục tiêu bội chi ngân sách theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội là giảm dần để đến năm 2015 xuống dưới 4,5% GDP. Thực tế, mức bội chi ngân sách năm 2011 là 4,0% GDP, năm 2012 là 4,3% GDP. Dự toán năm 2013 là 4,8% GDP. Tuy nhiên, do điều kiện thu ngân sách khó khăn, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh mức bội chi lên 5,3% GDP. Khả năng thực tế thực hiện sẽ thấp hơn. Năm 2014 Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách bằng 5,3% GDP. Trong tổ chức thực hiện, sẽ phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, từ đó giảm bội chi NSNN.

Theo Bộ Tài chính, sở dĩ mức bội chi NSNN các năm qua vẫn ở mức cao so với mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội là do nền kinh tế các năm qua gặp nhiều khó khăn, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh và hỗ trợ thị trường, chính sách thu được hoàn chỉnh theo hướng giảm động viên vào NSNN, tăng tích tụ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN các năm.

Cụ thể: Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm mức thuế suất phổ thông từ mức 28% trước năm 2008 xuống 25% từ 1-1-2009 và xuống 22% áp dụng từ ngày 1-1-2014, riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp dụng thuế suất 20% ngay từ ngày 1-7-2013. Đồng thời, ban hành Luật thuế Giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 thay thế cho Luật thuế Giá trị gia tăng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng năm 2003, đã mở rộng diện chịu thuế đối với hàng hoá, dịch vụ; thu hẹp diện không chịu thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu đơn giản hoá thuế suất theo hướng rút gọn danh mục hàng hoá, dịch vụ áp dụng thuế suất 5% xuống còn 15 nhóm.

Chính sách thu đã giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách còn thể hiện ở việc Luật thuế Thu nhập cá nhân được điều chỉnh nâng mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệuđồng/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mức 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, qua đó dự kiến có hơn 3 triệu người trong tổng số 4 triệu người đang khai nộp sẽ ra khỏi diện nộp thuế.

Ngoài ra, thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thu thuỷ lợi phí; rà soát, cắt giảm, bãi bỏ hàng trăm khoản phí, lệ phí... Thực tế trong 3 năm 2011-2013, đã liên tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế để tháo gỡ cho sản xuất - kinh doanh, kích thích tiêu dùng (năm 2011 khoảng 10.100 tỷ đồng; năm 2012 khoảng 13.300 tỷ đồng; năm 2013 khoảng 16.600 tỷ đồng).

Với việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế như nêu trên, tỷ lệ huy động từ thuế, phí năm 2011 đạt 22,7% GDP, năm 2012 đạt 20,6% GDP; năm 2013 ước đạt 18,4% GDP, dự toán 2014 khoảng 17,2% GDP (mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là 22-23% GDP).

Từ những cơ sở nêu trên, Bộ Tài chính khẳng định, tỷ lệ động viên thu NSNN của một số nước trong khu vực được nêu trong báo cáo của các tổ chức quốc tế thường chỉ tính ở cấp trung ương, trong khi ở Việt Nam được tính trên nguồn thu của cả 4 cấp ngân sách. Nếu tính cùng tiêu chí và cùng bản chất thì tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt Nam tương ứng mức trung bình của nhóm các nước có mức thu nhập dưới trung bình.

Nhiều giải pháp tăng thu- tiết kiệm chi

Thời gian tới, để cải thiện mức thâm hụt NSNN, giảm gánh nặng chi trả nợ trong tương lai, Bộ Tài chính cho biết, trong điều hành Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ tập trung triển khai các giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về thu NSNN theo hướng khuyến khích đầu tư, cơ cấu lại hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh để tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn vốn đầu trong và ngoài nước (BOT, PPP,...).

Thực hiện tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí. Rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ đã ban hành, trên cơ sở đó lồng ghép, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả; tiếp tục rà soát hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật không phù hợp với thực tế, vượt quá khả năng đảm bảo của NSNN nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả.

Được biết, trong các nhóm giải pháp lớn của Bộ Tài chính để hoàn thành nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2014, có hai nhóm giải pháp quan trọng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu được Bộ Tài chính triển khai với mục tiêu nhằm tăng thu, tiết kiệm chi để giảm dần bội chi ngân sách. Đó là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó tạo nguồn thu ngân sách; kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về thuế và hải quan; rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng, đẩy mạnh triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan. Phấn đấu giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Giải pháp quan trọng thứ hai được Bộ Tài chính ưu tiên thực hiện đó là, quản lý chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại chi NSNN; rà soát lại các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách chi ngân sách để đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải...

Như vậy, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Bộ Tài chính vẫn dồn mục tiêu ưu tiên vào công tác điều hành ngân sách theo hướng linh hoạt, chặt chẽ và hiệu quả nhằm đạt mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội giao, đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội... đồng thời góp phần làm giảm bội chi ngân sách theo lộ trình đã định.

Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Quí 1: bội chi ngân sách hơn 37.000 tỉ đồng (05/04/2014)

>   Vì câu chữ, DN cao su bị treo tiền hoàn thuế (04/04/2014)

>   KBNN từ chối thanh toán 60 tỷ đồng chi sai (03/04/2014)

>   Nộp thuế sau ngày 1-4 sẽ bị phạt (02/04/2014)

>   Brazil hạ thuế chống bán phá giá lốp xe máy từ hai doanh nghiệp Việt Nam (31/03/2014)

>   Cơ quan thuế “triệt hạ” doanh nghiệp? (30/03/2014)

>   Doanh nghiệp phản đối việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước có ga (30/03/2014)

>   TPHCM: Tổng thu ngân sách quý 1-2014 ước đạt 60.498 tỷ đồng (28/03/2014)

>   Doanh nghiệp mới thành lập gặp khó vì thuế GTGT (27/03/2014)

>   75% người nộp thuế tại Hà Nội chưa quyết toán thu nhập 2013 (26/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật