Doanh nghiệp mới thành lập gặp khó vì thuế GTGT
Nhiều doanh nghiệp mới thành lập đang “khóc ròng” với quy định phải đầu tư mua sắm tài sản cố định có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT), nếu không phải áp dụng cách tính trực tiếp, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vừa thành lập hồi tháng 1 không muốn nêu tên cho biết, quy định này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp ông trong việc cạnh tranh, bán hàng.
Bởi lẽ, khi không đáp ứng điều kiện này, doanh nghiệp buộc phải xác định thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, tức là phải nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm ấn định nhân với doanh thu mà không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Quy định về tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập được đặt ra trong Thông tư 219/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 31-12-2013, có hiệu lực ngày 1-1-2014 nhằm hướng dẫn cho Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013 và Luật Thuế GTGT sửa đổi do Quốc hội thông qua hôm 19-6-2013.
Quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp thành lập mới với mục đích mua bán hóa đơn như Bộ Tài chính, cơ quan thuế từng phát hiện.
|
Ông phân tích, lúc đó, doanh nghiệp phải hạch toán thuế GTGT đầu vào thành chi phí dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Hơn nữa, giá bán ra của sản phẩm còn phải chịu thêm 3% thuế GTGT đầu ra (đối với lĩnh vực sản xuất).
Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa của doanh nghiệp mới thành lập mất khả năng cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Hệ quả tất yếu là khó bán được hàng, tìm kiếm được thị trường xuất khẩu.
“Đó là chưa nói đến trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp là nguyên liệu trong chuỗi sản xuất, khi làm ăn, mua bán với các doanh nghiệp được áp dụng phương pháp khấu trừ thì họ sẽ không muốn tiếp tục vì bị ảnh hưởng”, ông này nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 27-3, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ, những vướng mắc liên quan đến việc xác định, phương pháp tính cũng như hoàn thuế thuế GTGT đang là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp phản ánh và nhờ cơ quan này hỗ trợ.
Theo ông Hưng, quy định mới của Bộ Tài chính nói rằng doanh nghiệp mới thành lập phải đáp ứng tiêu chí mua sắm tài sản trên 1 tỉ đồng là rất vô lý và thiếu thực tế.
Bởi lẽ, doanh nghiệp mới thành lập có rất nhiều là đơn vị dịch vụ, ví dụ như tư vấn hoặc làm về phần mềm, là những đơn vị doanh thu có được nhờ chất xám và đầu tư ban đầu có khi chỉ là vài cái bàn, vài nhân viên.
Còn với doanh nghiệp sản xuất, đòi hỏi này cũng là phi lý khi có rất nhiều đơn vị sử dụng hình thức gia công sản phẩm ở đối tác, chỉ lo về khâu thiết kế, nghiên cứu mẫu mã và bán hàng. “Tôi biết có một doanh nghiệp là nhà sản xuất của nhiều sản phẩm nổi tiếng nhưng họ lại gia công ở Kinh Đô, Vĩnh Tiến…”, ông Hưng lấy ví dụ.
Theo ông Hưng, thay vì quy định cứng nhắc về tài sản cố định cho mọi doanh nghiệp mới, cơ quan quản lý cần có số liệu chính xác, cụ thể rằng bao nhiêu doanh nghiệp mới thành lập có mục đích xấu, bao nhiêu là làm ăn đàng hoàng; từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, tránh trường hợp bắt phần lớn doanh nghiệp chịu vạ lây.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lãnh đạo một cục thuế phía Nam nhìn nhận, quy định mới về việc doanh nghiệp mới thành lập phải đáp ứng vài tiêu chí thực sự cũng gây khó khăn cho cơ quan thực thi.
Theo vị này, cơ quan làm chính sách đã “gom” tất cả vào chung một biện pháp quản lý khiến cơ quan thực thi thêm việc, không chỉ là giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mà còn phải áp dụng những biện pháp quản lý như xưa sau một thời gian đã thay đổi.
Tuy nhiên, bản thân cơ quan thực thi không dám có ý kiến phản đối mà phải chấp hành thực hiện. “Chúng tôi đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp mới thành lập và có văn bản gửi cơ quan cấp trên. Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đã vào làm việc và cho biết sẽ nghiên cứu”, vị này nói.
Minh Tâm
tbktsg
|