Ám ảnh bội chi
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu năm vượt ngưỡng 150 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Từ đây mở ra mối lo chi chưa bền vững khi tình trạng đầu tư dàn trải vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt là con số đến từ chi cho trả nợ và viện trợ bằng 105% so với cùng kỳ.
Báo cáo tình hình hoạt động của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách tháng 2 ước đạt 49.600 tỷ đồng; luỹ kế thu 2 tháng đạt 129.870 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 2 ước đạt 31.400 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 51% số thu tháng trước. Luỹ kế thu 2 tháng ước đạt 93.465 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Số thu từ kinh tế quốc doanh đạt 15,5% dự toán, tăng 16%; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 20,4% dự toán, tăng 24,3%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,9% dự toán, tăng 25,6%; thuế thu nhập cá nhân đạt 17,7% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính ước tính, có 45/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 16%), trong đó 18 địa phương thu đạt trên 20% dự toán. So với cùng kỳ năm 2013, có 51/63 địa phương thu cao hơn. Điều đó giúp nhìn nhận nền kinh tế bước đầu ổn định.
Còn ở mặt ngược lại, nền kinh tế vẫn tiếp tục chi mạnh. Tổng chi NSNN tháng 2 là 65.710 tỷ đồng; luỹ kế chi 2 tháng ước đạt 150.070 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 14,3% dự toán, bằng 99,4% so với cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ đạt 15,9% dự toán, bằng 105,5% so với cùng kỳ; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước đạt 15,3% dự toán, bằng 105,2% so với cùng kỳ.
Nhìn vào cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm cho thấy, dù có ít nhiều lạc quan từ thu nội địa, nhưng ám ảnh vượt chi, chi nhiều vẫn chưa dứt.
Tại một cuộc hội thảo về cải cách thể chế kinh nghiệm quốc tế và bài học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lưu ý rằng, các địa phương đang làm kinh tế theo phong trào. Tỉnh này thấy tỉnh kia làm cái gì thì chạy theo. Tình trạng các địa phương chạy đua xin được ưu đãi, xin ngân sách nay lại tiếp diễn. Ông Vinh nói, thực tế việc quản lý đầu tư công trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lãng phí, thất thoát. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, như do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiêu quả. Từ đây dẫn đến chi không hiệu quả.
Diễn biến thu – chi ngân sách cùng với lời nhận xét của Bộ trưởng KH&ĐT cho thấy, NSNN vẫn đang loay hoay với bài toán cân đối. Một số địa phương đã bước đầu tự tạo được nguồn chi cho mình do thu cao hơn dự toán, nhưng vẫn còn hơn 12 số tỉnh thành vẫn đang trong cơ chế trợ cấp.
Trở lại với bản báo cáo của Bộ Tài chính có con số đáng lưu ý, chi trả nợ và viện trợ đạt 15,9% dự toán, bằng 105,5% so với cùng kỳ. Điều này một lần nữa cho thấy, ám ảnh nợ công bắt đầu trở lại. Nghĩa vụ chi trả nợ đang hiện diện, sức ép phát hành trái phiếu để đảo nợ và gánh nặng trả lãi của nợ công trong nước là khá lớn, như dự báo của không ít chuyên gia kinh tế, câu chuyện nợ công sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014.
Thúy Hằng
đại đoàn kết
|