Tái cơ cấu: Không thể quên Quỹ tín dụng nhân dân
Ông Trần Văn Trí, chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền, đã làm được điều tưởng chừng như không thể: đưa công ty của vợ - Công ty Thủy sản Bình An (BAF) - từ cõi chết trở về và tái cơ cấu thành công Công ty Cổ phần Thủy sản Phương Nam ở Sóc Trăng. Và giờ đây, “Anh Hai tái cơ cấu” Trần Văn Trí tiếp tục làm vị cứu tinh khi nhận tiếp quản Quỹ Tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang đang trong tình trạng vỡ nợ.
Cái tên “quỹ tín dụng nhân dân” có vẻ xa lạ với nhiều người dân thành thị vì quy mô của nó rất nhỏ so với các ngân hàng thương mại và chủ yếu phân bổ ở những địa bàn dân cư xa thành phố. Thế nhưng, hệ thống quỹ tín dụng này đã ra đời từ rất lâu và là nguồn cung cấp tín dụng cho hàng triệu người dân ở nông thôn.
Điểm đặc biệt của các quỹ tín dụng nhân dân là đặt trụ sở chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoại ô, với đội ngũ nhân viên thường sinh sống gần nơi cư trú và địa bàn kinh doanh của người vay vốn. Vì thế, các quỹ này hiểu khá rõ khả năng chi trả, uy tín của từng cá nhân đi vay, cũng như tiết kiệm được chi phí đi lại để khảo sát và thẩm định khi cho vay. Đây chính là điều mà nhiều ngân hàng thương mại mong muốn nhưng không có được. Lợi thế này đã giúp cho các quỹ tín dụng nhân dân có kết quả hoạt động tốt hơn so với một số ngân hàng thương mại. Năm 2012, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đạt 20,04%, cao hơn 3 lần so với mức bình quân của khối ngân hàng thương mại (6,33%).
Quan trọng hơn, sự có mặt của các quỹ này đã giúp nhiều hộ gia đình vay được vốn và phát triển kinh tế. Ông Hoàng Nguyên Khôi, cư trú tại xã Hòa Khánh, tỉnh Đắc Lắc cho biết nhờ vay của Quỹ Tín dụng Hòa Khánh mà nay gia đình ông đã ổn định hơn với nghề rang xay cà phê bột. Hộ nghèo không có tài sản thế chấp có thể xin vay vốn tại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Rõ ràng, hình thức quỹ này đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn, nhất là khi Việt Nam hiện có gần 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và khoảng 60% trong số này đang lấy nông nghiệp làm sinh kế chính.
Bởi tính chất quan trọng của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mà đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đã đề cập khá chi tiết về định hướng, giải pháp củng cố và phát triển hệ thống quỹ này. Việc tái cơ cấu càng trở nên cấp bách khi đã có nhiều vấn đề xuất hiện tại một số quỹ. Đặc biệt là việc lãnh đạo một số quỹ cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc, khiến quỹ bị thua lỗ hoặc phá sản.
Quỹ Tín dụng nhân dân Hậu Giang là một ví dụ. Lãnh đạo của quỹ này đã cấp 2 chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp trị giá 20 tỉ đồng dù Quỹ không có chức năng này và người dân đến rút tiền gửi nhiều lần, nhưng Quỹ không có tiền để trả. Còn Quỹ Tín dụng nhân dân Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã bị thất thoát 14 tỉ đồng do ban lãnh đạo và kiểm soát đã câu kết làm giả hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền. Nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ Tín dụng nhân dân xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cũng giả mạo chữ ký của các thành viên trong Quỹ để vay vốn phục vụ mục đích cá nhân.
Những vụ vi phạm nói trên chủ yếu là do mô hình sở hữu tập thể của hệ thống quỹ. Mỗi quỹ là một tổ chức tín dụng hợp tác xã, do người dân trong cùng một địa phương góp vốn thành lập. Quỹ hoạt động với mục đích chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên để có vốn sản xuất, kinh doanh. Những hộ nghèo trên địa bàn cũng được xét duyệt cho vay miễn là thỏa mãn điều kiện của quỹ.
Chính do tính chất của quỹ là sở hữu tập thể, điều kiện xét duyệt cho vay dễ dàng, những người chủ (thành viên góp vốn) lại không thể giám sát thường xuyên nên tình trạng lạm dụng quyền lực như trên rất dễ xảy ra.
Để khắc phục tình trạng này, theo Giám đốc một quỹ tín dụng nhân dân ở Đắk Lắk (không muốn nêu tên), có thể cho phép thành viên của quỹ bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm. Nếu lãnh đạo hoặc nhân viên không đạt mức tín nhiệm thì buộc phải thôi việc. Có như vậy, thành viên mới thực sự làm chủ, từ đó tạo áp lực cho ban lãnh đạo và nhân viên quỹ, buộc họ làm việc có trách nhiệm hơn.
Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng có đề cập đến một số giải pháp khác như nâng cao chất lượng tín dụng, năng lực quản trị của quỹ, đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ, chuẩn hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ, kế toán, cũng như hạn chế sự chi phối của một số ít thành viên về vốn điều lệ và hoạt động của quỹ.
Hiện nay, ngân hàng hợp tác xã đang chịu trách nhiệm hỗ trợ và kiểm tra giám sát hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên, theo vị Giám đốc nói trên, dù quy mô mỗi quỹ rất nhỏ, nhưng số lượng quỹ lại nhiều và phân bổ khắp cả nước, khiến cho việc thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý gặp khó khăn. Do vậy, cần có thêm nhiều chi nhánh ngân hàng hợp tác xã để đảm bảo việc giám sát hiệu quả hơn.
Một vấn đề khác của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là các quỹ chưa có hệ thống quản lý và kiểm soát thông tin khách hàng như ngân hàng thương mại. Do đó, vẫn xảy ra trường hợp một khách hàng đồng thời có thể vay vốn từ cả ngân hàng thương mại lẫn quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, dù không có khả năng chi trả. Đây là một rủi ro lớn đối với các quỹ tín dụng hiện nay.
Nếu câu chuyện này không sớm được giải quyết, có thể sẽ còn nhiều trường hợp vỡ nợ như Quỹ Tín dụng nhân dân Hậu Giang mà chỉ mỗi “anh Hai tái cơ cấu” Trần Văn Trí sẽ không thể xử lý nổi.
Hoàng Vy
ncđt
|