Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: APS - CTCP CK Châu Á Thái Bình Dương
Do cổ phiếu này đã xác lập xu hướng tăng trưởng dài hạn nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể tiếp tục mua vào nếu giá test lại vùng 6,900 – 7,300, với quan điểm cần bán ra nhanh chóng nếu giá xuyên thủng vùng này.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Đỉnh cũ của tháng 05/2012 đã bị phá vỡ hoàn toàn. Giá đã vượt qua vùng đỉnh cũ của tháng 05/2012. Đây là vùng có khối lượng tích lũy lớn và thời gian tồn tại lâu nên việc phá vỡ nó mang lại hiệu ứng khá tích cực.
Vùng này cũng đồng thời trùng với ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 5,300 – 6,000) nên lại càng có ý nghĩa về mặt chiến lược.
Vượt qua SMA 100. Kể từ sau khi cho tín hiệu mua với SMA 100 từ tháng 11/2013, APS đã tăng trưởng liên tục cho đến nay. SMA 100 hiện vẫn đang đi lên mạnh chứng tỏ xu hướng tăng trưởng đang rất tốt.
Ngắn hạn: Ngưỡng Fibonacci Retracement 261.8% đang là tâm điểm. Sau khi phá vỡ được ngưỡng này (tương đương vùng 6,900 – 7,300), giá đã có throwdown rất mạnh. Điều này cho thấy nguy cơ giảm sâu vẫn còn.
Thanh khoản sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh liên tục duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 1,800,000 đơn vị) trong những phiên gần đây cho thấy lực cầu đang yếu đi.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 2,700
• Ngưỡng 23.6% : 3,200
• Ngưỡng 38.2% : 3,400
• Ngưỡng 50.0% : 3,600
• Ngưỡng 61.8% : 3,800
• Ngưỡng 100.0%: 4,500
• Ngưỡng 161.8%: 5,500
• Ngưỡng 261.8%: 7,200
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đã xác lập xu hướng tăng trưởng dài hạn nên việc mua vào khi có điều chỉnh ngắn hạn được ủng hộ. Nhà đầu tư có thể tiếp tục mua vào nếu giá test lại vùng 6,900 – 7,300, với quan điểm cần bán ra nhanh chóng nếu giá xuyên thủng vùng này.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Doanh thu và lợi nhuận 2013 đều sụt giảm mạnh - Doanh thu khác là cứu cánh. Năm 2013, tổng doanh thu của APS theo BCTC kiểm toán chỉ đạt gần 25 tỷ đồng, giảm 19.7% so với năm 2012; lợi nhuận sau thuế đạt 11.7 tỷ đồng, giảm 17.5%. Doanh thu của APS tập trung chủ yếu ở doanh thu khác với 12.3 tỷ đồng (cho vay ứng trước, margin, tiền gửi ngân hàng), trong khi doanh thu môi giới đạt 9.3 tỷ đồng.
Sự sụt giảm của tổng doanh thu năm 2013 chủ yếu do doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán giảm mạnh 65% chỉ còn vỏn vẹn 2.1 tỷ đồng và doanh thu khác giảm 19.1% (chủ yếu do lãi suất cho vay giảm). Trong khi đó, hoạt động môi giới có doanh thu tăng nhẹ 4.3% so với năm ngoái.
Đầu tư cổ phiếu niêm yết tăng nhẹ. Chưa trích lập dự phòng giảm giá nhiều cổ phiếu OTC. Tổng giá trị đầu tư đến cuối năm 2013 của APS là 138.2 tỷ đồng, tăng nhẹ 4.1% so với năm 2012; trong đó đầu tư ngắn hạn là 134.2 tỷ đồng chiếm 34% vốn điều lệ ở mức 390 tỷ đồng và tăng 3.7% so với 2012, và khoản mục đầu tư dài hạn đạt 4 tỷ đồng.
Khoản mục đầu tư ngắn hạn của APS phân bổ vào đầu tư cổ phiếu niêm yết 14.6 tỷ đồng, đây cũng là khoản mục duy nhất được APS gia tăng đầu tư trong năm 2013. Tiếp theo là đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết 92.2 tỷ đồng và đầu tư ngắn hạn khác 37.4 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư lớn của APS là CTCP Điện lực Hà Nội 28.9 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Liên Minh 23.4 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Phát triển Địa ốc Sài Gòn Xanh 14.3 tỷ đồng, CTCP Thép Đình Vũ 5.6 tỷ đồng …
Giá trị dự phòng rủi ro giảm giá đầu tư ngắn hạn của APS chỉ vỏn vẹn có 1.1 tỷ đồng, chiếm 0.82% tổng giá trị đầu tư ngắn hạn. Đáng chú ý, ngoài HIG được trích lập dự phòng 668 triệu đồng, hầu hết các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết khác vẫn chưa được trích lập dự phòng. Điều này khiến rủi ro phải trích lập thêm chi phí dự phòng là rất lớn và ảnh hưởng đến lợi nhuận và chất lượng tài sản của APS, khi mà thị trường OTC đã suy giảm nhiều cả về giá lẫn thanh khoản.
Gia tăng hoạt động hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là cho vay ký quỹ. Tổng khoản mục phải thu ngắn hạn của APS vào thời điểm cuối năm 2013 là 189.8 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khoản phải thu khác với 184.4 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy APS đã gia tăng nhẹ hoạt động hỗ trợ khách hàng trong năm qua. Tuy nhiên, doanh thu khác của APS vẫn giảm mạnh nhiều khả năng do lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng đã được điều chỉnh giảm đáng kể trong năm.
Doanh số cho vay ký quỹ của APS trong năm 2013 đạt vào khoảng 1,026 tỷ đồng và phát sinh khoản phải thu vào cuối năm gần 114 tỷ đồng, trong đó dự phòng khó đòi ở mức 5 tỷ đồng. Đáng chú ý là APS còn khoản phải thu khác 7.7 tỷ đồng nhưng số nợ quá hạn lên đến 5.1 tỷ đồng và đã phải trích lập dự phòng hoàn toàn cho khoản nợ khó đòi này.
Hiện khoản mục vay nợ của APS chỉ có vỏn vẹn 1.5 tỷ đồng, do đó áp lực về chi phí lãi vay, trả nợ gốc của APS gần như không có. Cũng có thể thấy, APS đã sử dụng một phần lớn của vốn chủ sở hữu để cho khách hàng vay margin và tiền mặt chỉ còn khoảng 7.6 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng năm 2014. Với chiến lược tập trung cho vay margin như hiện tại, tăng trưởng của APS sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự sôi động của TTCK trong năm 2014, và khả năng thu hút khác hàng sử dụng dịch vụ môi giới và vay tín dụng liên quan. Khả năng quản trị rủi ro hiệu quả đối với dịch vụ margin được thực thi cũng sẽ giúp APS hạn chế tổn thất tài chính.
Ngoài ra, do đã tập trung một lượng khá lớn tài sản vào cổ phiếu OTC, nên kỳ vọng sẽ đặt vào đà tăng trưởng ở các cổ phiếu niêm yết trong danh mục sẽ giúp APS hồi phục.
Phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu với giá bằng mệnh giá. Năm 2014, APS có kế hoạch phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu nhằm bổ sung vốn lưu động. Giá phát hành dự kiến 10,000 đồng/cp, cao hơn 31.5% so với thị giá 7,600 ngày 10/04.
Giao dịch và Định giá. Dòng tiền đầu cơ đã đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu Chứng khoán từ đầu năm đến nay với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 1/2013 tích cực khi thị trường sôi động. Cổ phiếu APS cũng không phải là ngoại lệ khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng cộng đã tăng 1.9 lần kể từ đầu năm 2014.
Khối lượng giao dịch trung bình phiên 52 tuần của cổ phiếu APS hiện đạt gần 708 ngàn đơn vị và đang giao dịch ở mức P/E 13 lần, P/B 0.45 lần.
Đáng chú ý, APS hiện thu hút khá nhiều cổ đông tổ chức, nổi bật nhất có Lucerne Enterprise Ltd (nắm 8.21% vốn, tương ứng 3,200,300 cp), ASEAN Small Cap Fund (7.08%, tương đương 2,762,900 cp) và CTCP quản lý quỹ Tín Phát (5.08%, tương đương 1,980,000 cp).
Bảng: Kết quả kinh doanh và Chỉ số tài chính tóm tắt của APS (Nguồn: VietstockFinance)
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh
công lý
|