Thứ Năm, 24/04/2014 11:18

Obama thăm châu Á, tin xấu cho Trung Quốc?

Theo tờ The Diplomat của Mỹ, chuyến thăm châu Á lần này của ông Obama sẽ khiến Bắc Kinh củng cố quan điểm cho rằng, nước Mỹ đang tìm cách kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.

Một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo bản tiếng Trung đặt câu hỏi liệu ông Obama sẽ hành động như một “lính cứu hỏa hay kẻ khiêu khích” ở châu Á - Ảnh: Reuters.

Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington bắt đầu chuyến công du tới châu Á với các trạm dừng chân là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông Obama kể từ năm 2012. Lẽ ra ông Obama đã thực hiện chuyến đi này vào mùa thu năm ngoái, nhưng kế hoạch đã bị hủy do Chính phủ Mỹ đóng cửa.

The Diplomat nhận định, tuy ông Obama không thăm Trung Quốc, nhưng chuyến thăm châu Á lần này của ông sẽ có ảnh hưởng lớn tới quan hệ Mỹ-Trung. Trong cuốn hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates viết: “Trong bất kỳ chuyến thăm nào tới châu Á, cho dù Trung Quốc không phải là một trạm dừng chân, thì quốc gia này vẫn nằm trong chương trình nghị sự”. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ theo dõi chuyến đi này của người đứng đầu Nhà Trắng bằng sự quan tâm lớn, cố gắng đánh giá những cam kết và ý định của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới Trung Quốc, giới chức Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng rằng, họ quan tâm sát sao tới những tuyên bố mà ông Hagel đưa ra cho giới chức các nước khác trong khu vực châu Á. Trước khi tới Bắc Kinh, ông Hagel đã gặp bộ trưởng bộ quốc phòng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Hawaii và thăm Tokyo. Trong cả hai cuộc gặp, người đứng đầu Lầu năm góc đều nhấn mạnh cam kết của Mỹ về vấn đề quân sự trong khu vực. Những tuyên bố như vậy khiến Bắc Kinh không thoải mái. Tướng Fan Changlong của Trung Quốc đã tỏ thái độ “bất thường” khi nói với ông Hagel rằng “người Trung Quốc, bao gồm cả cá nhân tôi, bất bình với những phát ngôn như vậy”.

Bất chấp những lời phàn nàn của Trung Quốc, ông Obama gần như chắc chắn sẽ đưa ra quan điểm tương tự như những gì mà ông Hagel đã thể hiện trong chuyến thăm châu Á. Cả Nhật Bản và Philippines đều đang có tranh chấp lãnh thổ đầy căng thẳng với Trung Quốc, còn các quan chức Mỹ đã hình thành thói quen bày tỏ sự không hài lòng trước các hành động của Trung Quốc tại các khu vực có tranh chấp đó (mặc dù họ thường tránh đề cập trực diện tới Trung Quốc). Giới quan sát quốc tế đang chờ Tổng thống Obama nhắc lại những phát ngôn như thế khi ông tới Tokyo và Manila. Tại đây, ông Obama chắc chắn cũng sẽ tái khẳng định những cam kết quốc phòng của Washington với các nước đồng minh.

Bên cạnh đó, ông Obama được dự báo sẽ ký kết một thỏa thuận cho phép quân Mỹ dùng chung các căn cứ quân sự ở Philippines - một minh họa rõ nét cho sự xoay trục chiến lược của Washington về phía châu Á. Ngoài ra, ông Obama cũng có thể sử dụng chuyến thăm Hàn Quốc để gây áp lực công khai buộc Trung Quốc phải có thêm hành động trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đây được cho sẽ là một chủ đề chính trong các cuộc đàm thoại giữa ông Obama và các nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này.

Trung Quốc đã chuẩn bị đón nhận một loạt những phát ngôn không hề dễ chịu, cho dù trực tiếp hay gián tiếp, từ Tổng thống Mỹ. Một bài bình luận của giáo sư Liang Yunxiang thuộc Đại học Bắc Kinh đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu có đoạn viết: “Ba trong số các điểm đến của Tổng thống Obama trong chuyến thăm châu Á lần này là các đồng minh của Washington. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn một phần trong các cuộc trao đổi của họ sẽ nhằm vào Trung Quốc”. Ông Liang viết thêm, trên thực tế, không một chủ đề nào được đem ra bàn thảo trong chuyến thăm của ông Obama có thể tách rời những mối quan ngại về sự nổi lên của Trung Quốc và sự tái cân bằng của Mỹ trong khu vực.

Một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo bản tiếng Trung đặt câu hỏi liệu ông Obama sẽ hành động như một “lính cứu hỏa hay kẻ khiêu khích” ở châu Á. Bài báo nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng Nhật Bản và Philippines phải chịu trách nhiệm về căng thẳng gia tăng trên biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời cáo buộc Mỹ “vô trách nhiệm” vì không có biện pháp hợp lý để kiềm chế đồng minh. Bài báo phủ nhận tuyên bố của Mỹ rằng Washington đứng trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời cáo buộc Mỹ “ủng hộ và khuyến khích” các hành động khiêu khích của Tokyo và Manila.

“Những bình luận và hành động vô trách nhiệm này rõ ràng đi ngược [mục tiêu mà nước Mỹ tuyên bố về] việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, bài báo có đoạn viết.

Trung Quốc đã thể hiện rõ sự lo ngại trước việc Mỹ xoay trục về phía châu Á (pivot to Asia) kể từ trước khi chính sách này được đặt tên. Bắc Kinh tin rằng, sự tăng cường hiện diện của Mỹ ở châu Á, chí ít là nhằm đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc, còn tệ hơn là nhằm “kiềm chế” Trung Quốc và ngăn không cho Trung Quốc nổi lên. Các tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ, nhất là những tuyên bố được đưa ra bên cạnh các nước đồng minh của Washington như Nhật Bản và Philippines, chỉ làm trầm trọng thêm những quan ngại này của Bắc Kinh.

Một bài viết khác cũng trên tờ The Diplomat cho rằng, chuyến thăm châu Á mới đây của ông Hagel và chuyến thăm lần này của ông Obama tới khu vực là “chuyến thăm mang tính trấn an tuyệt vời”. Riêng đối với Trung Quốc, cả hai chuyến thăm này không hề mang ý nghĩa trấn an. Theo quan điểm của Bắc Kinh, ngày càng thấy rõ việc Mỹ tái cân bằng về phía châu Á chỉ là mặt trước của một cuộc tấn công ngoại giao toàn diện nhằm vào Trung Quốc. Chuyến thăm châu Á lần này của ông Obama có thể sẽ củng cố quan điểm này.

Xét cho cùng, không giống như người đứng đầu Lầu năm góc Hagel, ông Obama thậm chí không buồn dừng chân chóng vánh ở Trung Quốc để cố giải thích về những tuyên bố mà ông đã đưa ra tại các quốc gia khác trong chuyến công du.

An Huy

vneconomy

Các tin tức khác

>   Luật sư nói Dương Chí Dũng phạm tội do cơ chế! (24/04/2014)

>   Đề nghị y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (23/04/2014)

>   Đội tìm kiếm nghi ngờ MH370 không rơi ở Ấn Độ Dương (23/04/2014)

>   Tòa Hiến pháp Thái Lan cho bà Yingluck thêm thời gian (23/04/2014)

>   Chưa rõ ngành nghề nào bị cấm đầu tư! (23/04/2014)

>   Tài xế đốt lửa vượt trạm cân, lực lượng chức năng "cố thủ" (23/04/2014)

>   Dũng, Phúc cùng nhận tiền nhưng "kình mặt" nhau (23/04/2014)

>   Bất ngờ xuất hiện tình tiết có lợi cho Dương Chí Dũng (23/04/2014)

>   Khởi tố nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt (23/04/2014)

>   Nhiều DN thờ ơ, thiếu hợp tác ngăn chặn hàng giả (23/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật