Chưa rõ ngành nghề nào bị cấm đầu tư!
Cho ý kiến sửa đổi dự án Luật Đầu tư tại phiên họp chiều 22/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói đọc hết các quy định vẫn không biết nhà đầu tư không được đầu tư vào cái gì.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo luật
|
Mối băn khoăn tương tự cũng đã từng được ông nêu ra khi thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 21/4, khi dự thảo luật quy định: “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”.
Còn ở dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), điều 25 quy định danh mục lĩnh vực cấm đầu tư gồm :
1. Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.
2. Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
3. Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường.
4. Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế.
5. Căn cứ quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục lĩnh vực cấm đầu tư.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế cho biết bên cạnh loại ý kiến nhất trí với quy định này, loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định của dự thảo luật còn quá chung chung không rõ các ngành, nghề bị cấm đầu tư.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, quy định tại dự thảo luật chưa rõ ràng, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện luật. Do vậy, để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo luật.
Quyền tiếp cận ngoại tệ cũng là quy định còn có ý kiến khác nhau.
Theo điều 15 của dự thảo luật, nhà đầu tư được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để thực hiện giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Luật cũng giao Chính phủ quy định việc bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với một số dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và các dự án quan trọng khác phù hợp với mục tiêu, tính chất dự án đầu tư.
Bên cạnh các ý kiến đồng ý, loại ý kiến thứ hai tại cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các cam kết quốc tế của Việt Nam và cân nhắc thu hẹp các đối tượng được đảm bảo cân đối ngoại tệ.
Quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế là cần thu hẹp tối thiểu các dự án bảo đảm cân đối ngoại tệ và nghiên cứu tiến tới bỏ quy định này để tránh những tác động tiêu cực đến dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá.
Nguyễn Lê
vneconomy
|