Thứ Sáu, 18/04/2014 08:14

Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ bị tổn thương vì TPP

Sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và nông dân bị tổn thương một khi sáu hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán được ký kết trong năm nay hoặc năm tới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, ký kết các FTA” hôm 17-4 tại TPHCM

Tại hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, ký kết các FTA” do Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cùng Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ở TPHCM hôm 17-4, trong nhiều vấn đề được nêu ra liên quan đến các FTA mới, mà tiêu biểu là TPP, các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế (INTAC VCCI), cho rằng bên cạnh những tác động tích cực, các hiệp định FTA Việt Nam đã ký kết (hiện Việt Nam có 8 FTA - pv) cũng có tác động tiêu cực đến một số đối tượng trong nước.

Cụ thể, sẽ xuất hiện những nhóm bị tổn thương nhiều hơn so với các nhóm khác. Chẳng hạn như, nông sản sẽ bị cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng sẽ bị "sốc". Hiện nay, nhiều doanh nghiệp SME đang điều chỉnh để tồn tại nhiều hơn là tận dụng cơ hội.

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện những rào cản ở thị trường các nước có FTA với Việt Nam, như các rào cản kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Chẳng hạn như việc Trung Quốc tiến hành kiểm dịch ở biên giới, hay các biện pháp phòng vệ thương mại ở một số nước ASEAN với mặt hàng thép của Việt Nam gần đây.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có chống bán phá giá, tại các thị trường Việt Nam sắp tham gia FTA. Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường này sẽ tăng lên chứ không giảm đi vì khi rào cản thuế không còn.

Theo đó, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng vì các FTA mới sẽ có những tiêu chuẩn cao vượt quá sức chịu đựng của các nhóm dễ bị tổn thương (nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, SMEs) và các đối tượng xã hội nhạy cảm (người lao động, người bệnh,…).

Chẳng hạn như, việc mở rộng phạm vi và thời hạn bảo hộ sáng chế (sở hữu trí tuệ) đang được bàn đến trong TPP nếu được thông qua và thực thi, có thể khiến cho giá thuốc đắt lên, như thuốc cho những người bị nhiễm HIV,…

Vấn đề đặt ra là Việt Nam nên bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương này như thế nào.

Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đặt câu hỏi: Liệu họ [những đối tượng dễ bị tổn thương] có chịu nổi cú sốc trong giai đoạn đầu có TPP?

Tại hội thảo, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khẳng định hiệp định TPP sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam và nói “không có hội nhập, chắc chắn Việt Nam không phát triển”.

Ông nói, nhiều người hỏi là “Liệu TPP có quá mạnh, quá lớn không?”. “Tôi không có câu trả lời”, ông nói, bởi lẽ theo ông điều này phụ thuộc vào cách thức Việt Nam hợp tác với Mỹ trong TPP, cũng như cách hỗ trợ cho nhóm người bị tổn thương trong giai đoạn đầu hiệp định có hiệu lực.

Theo ông Thành, chắc chắn trong giai đoạn đầu người chăn nuôi sẽ là đối tượng bị tổn thương, ví dụ như thuế nhập khẩu bò Úc nếu xuống 0%, thì người chăn nuôi bò Việt Nam sẽ không cạnh tranh nổi.

Về các rào cản thương mại, ông Thành nói rằng đây là biện pháp cần thiết và phải sử dụng đúng thời điểm, nhưng Việt Nam đừng lạm dụng như một công cụ bảo hộ.

Còn ông Trần Hữu Huỳnh nói rằng, ông mong muốn Quốc hội giám sát việc thực hiện, không chỉ đúng cam kết quốc tế mà từ cam kết này người dân và doanh nghiệp có cơ hội phát triển như thế nào. Đàm phán cần có tiếng nói của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chứ không đơn thuần là kênh của các tập đoàn đa quốc gia, ông Huỳnh nói.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán thương mại Việt Nam – Mỹ, cho rằng Chính phủ có thể hỗ trợ những doanh nghiệp SME bằng cách đào tạo, tư vấn – đây là những hỗ trợ không bị cấm theo các cam kết trong FTA.

Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán sáu hiệp định FTA, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan); Hiệp định thương mại tự do ASEAN + 6 (RCEP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - khối EFTA; và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

T.Thu

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Phải “lôi” doanh nghiệp vào hiệp định thương mại (18/04/2014)

>   Hơn 40 doanh nghiệp Nhật Bản đến ĐBSCL xúc tiến đầu tư (18/04/2014)

>   Doanh nghiệp ngừng sản xuất vì hàng chậm thông quan (18/04/2014)

>   1,3 triệu tỷ đồng đi vay đang được quản thế nào? (17/04/2014)

>   TPHCM: Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh (17/04/2014)

>   Chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra (17/04/2014)

>   Quỹ đầu tư Singapore dồn dập đổ vốn vào Việt Nam (17/04/2014)

>   AEC là chìa khóa để Việt Nam giảm gánh nặng nhập siêu (17/04/2014)

>   Triển vọng hợp tác dệt may giữa TP.HCM và Mông Cổ (17/04/2014)

>   Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo sơ kết Nghị quyết T.Ư 6 khóa X tại các tỉnh Miền Trung (17/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật